Ở bài viết trước chúng ta đã cùng nhau nhìn ra được một con đường, một triết lý, một “đạo” trong đầu tư mà nhờ đó chúng ta có thể cùng lúc đạt được 2 trạng thái lý tưởng là rủi ro thấp và lợi nhuận thoả đáng. Nguyên tắc của việc đó là chúng ta mua sở hữu được một thứ tài sản, có thể là một căn nhà, một quyền sử dụng đất, một lô trái phiếu hoặc một phần của một doanh nghiệp ở một mức giá nhỏ hơn càng nhiều càng tốt mức giá trị hợp lý của nó!
Giá là thứ quá dễ để biết, giá của cổ phiếu luôn công khai trong phiên giao dịch, giá của bất động sản thì hỏi chủ nhà là biết, giá trái phiếu thì cũng đã được niêm yết rõ ràng trên các sàn giao dịch hoặc hỏi người bán là biết. Nhưng giá trị của cổ phiếu, của trái phiếu, của bất động sản, của vàng, của các tài sản đầu tư là bao nhiêu thì thật sự là không dễ để xác định.
Bây giờ hãy cùng suy nghĩ một câu hỏi như thế này: Giả sử bạn là một người sếp, bạn đang có nhu cầu tuyển dụng một nhân viên bán hàng, vậy có bao giờ bạn trả lương và thưởng cho nhân viên đó với tổng giá trị quy đổi ra tiền mặt lớn hơn lợi nhuận bán hàng mà người nhân viên đó đem về hay không?
Dĩ nhiên là không nhỉ, đâu ai dại gì đâu.
Ví dụ này cho chúng ta một cái nhìn rất trực quan về việc nếu bỏ qua các giá trị tinh thần và các giá trị vô hình khác mà một người nhân viên có thể đem lại cho doanh nghiệp (kiểu như anh ấy làm không khi văn phòng vui hơn, anh ấy gây mùi cơ thể khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực tới đồng nghiệp), giá trị của một nhân viên bán hàng sẽ chính bằng tổng giá trị lợi nhuận mà anh ấy đem về cho doanh nghiệp trong suốt thời gian anh ấy làm việc tại doanh nghiệp, bạn đồng ý vs điều này chứ?
Hãy giả sử năm thứ nhất anh ta đem về lợi nhuận 2.500 triệu Đ, năm thứ hai là 2.700 triệu Đ, năm thứ ba là 2.750 triệu Đ và năm thứ tư là 2.400 triệu Đ, năm thứ năm là 2.430 triệu Đ rồi anh ta nghỉ việc. Nếu tại thời điểm tuyển dụng, chúng ta là những nhà tiên tri có khả năng nhìn thấu tương lai thì giá trị của người nhân viên này sẽ được tính là 2.500 + 2.700 + 2.750 + 2.400 + 2.430 = 12.780 triệu Đ. Điều này đúng không nhỉ?
Hãy từ từ ở chỗ này, đừng quên nền kinh tế nào cũng sẽ có lạm phát hoặc giảm phát, lợi nhuận 2.700 triệu Đ người nhân viên đem về cho sếp vào năm thứ hai có thể chẳng đủ mua một căn chung cư 3 phòng ngủ tại Hà Nội, nhưng hai năm về trước – tức tại thời điểm tuyển dụng thì 2.700 triệu Đ là đủ để mua một căn chung cư 3 phòng ngủ tại Hà Nội. Vì vậy, tại thời điểm tuyển dụng, 2.700 triệu Đ lợi nhuận ở năm thứ hai không có giá trị bằng với 2.700 triệu Đ!!! Điều này đúng tương tự với những khoản lợi nhuận người nhân viên bán hàng này đem về vào năm thứ ba, bốn và năm.
Việt Nam chúng ta thường đặt mục tiêu lạm phát hàng năm tối đa là 4%, giả sử mức lạm phát đều đặn trung bình là 3% – tức là cứ sau mỗi năm, để mua được một món đồ y như cũ, chúng ta sẽ phải trả thêm một số tiền tương đương vs 3% số tiền đã trả năm ngoái. Vậy khoản lợi nhuận 2.500 triệu Đ mà người nhân viên đem về vào cuối năm làm việc thứ nhất sẽ có giá trị tương đương với 2.500 / 1,03 = 2.427,18 triệu Đ.
Tương tự, khoản lợi nhuận 2.700 triệu Đ, 2.750 triệu Đ, 2.400 triệu Đ và 2.430 triệu Đ mà người nhân viên bán hàng đem về vào cuối năm thứ 2, 3, 4 và 5 sẽ có giá trị tại thời điểm tuyển dụng lần lượt là:
- 2.700 / (1,03^2) = 2.545 triệu Đ => những gì mua được bằng số tiền 2.545 triệu Đ ngay tại thời điểm tuyển dụng thì 2 năm nữa phải bỏ ra 2.700 triệu Đ mới mua được.
- 2.750 / (1,03^3) = 2.516,64 triệu Đ => những gì mua được bằng số tiền 2.516,64 triệu Đ ngay tại thời điểm tuyển dụng thì 3 năm nữa phải bỏ ra 2.750 triệu Đ mới mua được.
- 2.400 / (1,03^4) = 2.132,36 triệu Đ => những gì mua được bằng số tiền 2.132,36 triệu Đ ngay tại thời điểm tuyển dụng thì 4 năm nữa phải bỏ ra 2.400 triệu Đ mới mua được.
- 2.430 / (1,03^5) = 2.096,14 triệu Đ => những gì mua được bằng số tiền 2.096,14 triệu Đ ngay tại thời điểm tuyển dụng thì 5 năm nữa phải bỏ ra 2.430 triệu Đ mới mua được.
Lúc này, chúng ta sẽ thấy rằng tổng giá trị lợi nhuận mà người nhân viên bán hàng này đem về trong 5 năm tiếp theo sẽ có giá trị tại thời điểm tuyển dụng là 2.427,18 + 2.545 + 2.516,64 + 2.132,36 + 2.096,14 = 11.717,32 triệu Đ.
Nếu bây giờ bạn phải quyết định trả người nhân viên này một cục lương để đổi lại sự phục vụ của anh ta trong 5 năm tới thì bạn sẽ trả bao nhiêu? Tôi cá rằng sẽ chẳng ai trả quá 11.717,32 triệu Đ.
Khoan đã, nếu như tôi có thể gửi tiết kiệm tại ngân hàng Vietcombank với rủi ro bằng 0 và lãi suất kép hàng năm là 6% thì để tạo ra khoản lợi nhuận như người nhân viên tôi chuẩn bị tuyển dụng tạo ra trong 5 năm tới, ngay bây giờ tôi sẽ cần gửi vào ngân hàng 5 khoản tiền lần lượt sẽ được rút ra sau đây 1, 2, 3, 4 và 5 năm như sau:
- 2.500 / 1,06 = 2.358,49
- 2.700 / (1,06^2) = 2.402,99
- 2.750 / (1,06^3) = 2.308,95
- 2.400 / (1,06^4) = 1.901,02
- 2.430 / (1,06^5) = 1.815,83
Vậy tức là nếu muốn thu về số tiền tương tự, thay vì tuyển người nhân viên kia vào làm bán hàng, người sếp này có thể lần lượt gửi 2.358,49 triệu Đ; 2.402,99 triệu Đ; 2.308,95 triệu Đ; 1.901,02 triệu Đ và 1.815,83 triệu Đ vào ngân hàng Vietcombank với lãi suất tiết kiệm kép hàng năm là 6%/năm và rút 5 khoản tiền trên ra khỏi ngân hàng sau lần lượt 1, 2, 3, 4 và 5 năm.
Hay nói cách khác, lúc này giá trị của người nhân viên chỉ còn là 2.358,49 + 2.402,99 + 2.308,95 + 1.901,02 + 1.815,83 = 10.787,28 triệu Đ.
Bạn thấy không, nếu bạn tự có khả năng đầu tư với mức tỷ suất lợi nhuận kép trung bình hàng năm càng cao, bạn càng ít cần thuê nhân viên làm việc cho mình lại, thể hiện ở việc giá trị của người nhân viên đó suy giảm kìa, từ 11,717,32 triệu Đ giờ giảm còn có 10.787,28 triệu Đ kìa.
Dễ nhỉ, định giá một tài sản dễ nhỉ?
Nó không dễ như bạn nghĩ đâu, vì tất cả đây chỉ là chúng ta đang là một nhà tiên tri có khả năng nhìn thấu tương lai, bởi vậy chúng ta mới nhìn thấy chính xác khoản lợi nhuận tiền mặt hàng năm mà một tài sản đem về cho mình là bao nhiêu. Hơn nữa, con số lạm phát thực tế đâu có cố định 3%/năm, có những nơi trên thế giới đột biến lạm phát hơn 100%/năm mà, và lãi suất tiết kiệm kép không có rủi ro tại ngân hàng càng không cố định 6%/năm mà do Ngân hàng nhà nước điều hành mà, nó có thể là 2%/năm mà cũng có thể là 12%/năm.
Chính việc không nhìn trước được tương lai và sự biến động của các mức lãi suất như vậy làm cho đầu tư trở nên vô cùng khó khăn, việc định giá tài sản trở nên vô cùng mơ hồ!
Vì vậy, chúng ta đi đến một kết luận rằng giá trị của một tài sản được quyết định bởi dòng lợi nhuận tiền mặt nó đem về trong tương lai và mức lãi suất phi rủi ro mà nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm được trên thị trường. Lưu ý rằng tôi sử dụng mức lãi suất phi rủi ro mà nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm được hàm ý cho việc thay vì đầu tư một số tiền vào một tài sản thì chúng ta có thể đầu tư tiền vào việc gửi tiết kiệm tại những ngân hàng lớn được nhà nước bảo đảm tiền gửi một cách không có rủi ro.
Và vì vậy, ở các bài viết sau chúng ta sẽ tiếp tục với chủ đề “Năng lực kiếm tiền của doanh nghiệp” và “Kinh tế vĩ mô và đầu tư”
(to be continued…)