Câu chuyện những con cún

Ngày hôm qua, sau nhiều năm không mua thêm chú cún nào, tôi quyết định thử lướt ngang qua Chotot.com để tìm mua một chú cún con mới. Thật bất ngờ khi những chú chó Golden Retriever mới cách đây tầm 3 – 4 năm vẫn có giá tầm 5 – 10 triệu thì bây giờ chỉ còn 3 – 4 triệu, những chú chó Corgi mông bự ngày đó 10 – 15 triệu bây giờ cũng chỉ còn 3 – 7 triệu và những chú chó Shiba Inu ngày đó 20 – 25 triệu bây giờ cũng chẳng còn có giá vượt quá 10 triệu.

Hiện trạng này nói lên điều gì nhỉ?

Sẽ chẳng khó để nhận ra khi mà nhu cầu suy giảm, khi mà sự khao khát không còn, khi mà cung vượt cầu thì những mức giá mà chúng ta lầm tưởng đó là giá trị của một đồ vật, một chú thú cưng cũng vì thế mà trượt dốc không phanh.

Bingo, chúng ta nhận ra sự thật đầu tiên: Giá (Price) và Giá trị (Value) không hề giống nhau!

Nhưng nếu lật ngược lại vấn đề này, chúng ta nên đặt ra câu hỏi rằng vậy phải chăng giá của một thứ sẽ tăng hoặc giảm cùng chiều với sự khao khát của con người dành cho nó không?

Tôi cho rằng là có! Trong một cuộc phỏng vấn với Harvard Business Review, ông trùm hàng xa xỉ Bernard Anault từng chia sẻ rằng ông không bán hàng tiêu dùng thông thường, thứ ông bán là sự khao khát. Con người càng khao khát thứ gì, thứ đó càng có giá, hãy lưu ý tôi nói rằng nó có giá, tôi không nói nó có giá trị, tôi nói giá của nó tăng khi nhiều người hơn khao khát nó, tôi không hề nói một thứ được nhiều người khao khát hơn sẽ có giá trị hơn.

Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta thường có xu hướng coi thường, thậm chí chà đạp lên sức khoẻ và sự hạnh phúc của bản thân. Chúng ta thức khuya, dậy sớm, ăn uống thiếu lành mạnh, làm việc quá sức và sinh hoạt thiếu khoa học, chúng ta không để tâm tới những người thân yêu của mình, chúng ta coi nặng vật chất hơn sự bình yên và an lành trong cuộc sống. Nếu lúc này một người đến và nói vs chúng ta rằng họ có thể bán cho chúng ta sức khoẻ và sự hạnh phúc trong cuộc sống, tôi nghĩ rằng chắc chúng ta sẽ không thèm để tâm đến hoặc sẽ chỉ mua khi nó có cái giá thật rẻ mạt. Không phải chỉ riêng bạn đâu, cả xã hội ngoài kia đang như vậy, chẳng mấy ai chạy theo và khao khát sức khoẻ lẫn sự hạnh phúc thật sự khi còn trẻ cả nên nó có giá rẻ là đương nhiên rồi, việc này là một hệ quả đến từ sự lên ngôi của Chủ nghĩa duy vật hiện đại. Thế nhưng nếu như năm nay bạn 50, 60 hoặc 70 tuổi, nếu có một người đến và nói vs chúng ta rằng họ bán sức khoẻ và sự hạnh phúc, liệu chúng ta sẽ trả bao nhiêu tiền để mua nó? Tôi cá rằng con số sẽ là rất nhiều. Sức khoẻ và sự hạnh phúc vẫn vậy, nhưng giờ đây ở độ tuổi gần đất xa trời, cả xã hội lại khao khát nó, nó lại có giá biết bao.

Đó chỉ là một trong vô vàn những ví dụ của cuộc sống cho chúng ta thấy rằng giá và giá trị rất nhiều khi khác nhau, chúng đều có thể thay đổi theo thời gian nhưng nếu có một thứ mà chúng ta biết chắc chắn rằng giá trị của nó là trường tồn, thậm chí là phát triển theo thời gian, đừng ngần ngại mua ngay khi thấy nó được bán với mức giá rẻ hơn rất nhiều giá trị của chính nó! Đấy chính là nguyên tắc của đầu tư, là một chân lý giúp chúng ta tự bảo vệ mình trước vô vàn cám dỗ và cạm bẫy có thể khiến mình tán gia bại sản, và kiếm tìm được cho mình những khoản lợi nhuận thoả đáng.

Vâng nếu bạn đã hiểu ý của tôi thì nó đúng là như vậy đấy, chúng ta có một chân lý, một triết lý, một “đạo” để đi theo mà nó giúp chúng ta cân bằng được cả hai yếu tố sau cùng lúc: hạn chế rủi ro và tối ưu lợi nhuận!

Nhưng bây giờ một vấn đề nan giải mới nảy sinh, đó là làm sao để biết được giá trị chính xác hoặc dễ hơn là ước lượng được tương đối chính xác khoảng giá trị của một thứ tài sản đầu tư? Hoặc nói một cách khác thì một tài sản phải đáp ứng tiêu chí gì thì nó mới là thứ có giá trị, thậm chí là có giá trị cao?

(to be continued…)

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *