Suy tưởng khi thị trường giảm điểm

Chúng ta đang sống trong những ngày tháng mà giá cổ phiếu, và đại điện là VN-Index giảm chưa thấy đáy – chỉ số này vào lúc tôi viết bài viết các bạn đang đọc đã giảm tổng cộng hơn 21% kể từ đầu năm 2022 và ngoài kia vô số các chuyên gia đang dự đoán đó mới chỉ là khởi đầu của một đợt suy giảm sâu và rộng khắp của thị trường, đi đâu tôi cũng thấy toàn những lời kêu than thua lỗ, cắt lỗ, call margin, lừa đảo, v.v… Nhưng đứng trước tình huống này, bỗng nhiên tôi lại cảm thấy thanh thản lạ thường và có một hành động hết sức vô lý – một hành động mà chỉ trước đây 3 năm thôi, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình đủ dũng khí để làm, đó là: chẳng làm gì cả.

Mà khoan hãy nói về tôi vội, hãy nói về thị trường trước, lý do cho đợt suy giảm này là gì? Tôi cho rằng có rất nhiều lý do tạo nên việc này, có thể liệt kê ra một vài thứ như sau:

  1. Lạm phát cao: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng hơn 8% trong tháng 04/2022 như bồi thêm một nhát dao vào vết thương lạm phát vốn đang rỉ máu của nền kinh tế. Hầu như tất cả mọi hàng hoá đều tăng giá, từ xăng dầu cho tới thực phẩm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa; thậm chí ngay cả khi tăng giá thì Hoa Kỳ còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn sữa bột dành cho trẻ em. Đó là một hiện thực không tưởng ở quốc gia thịnh vượng bậc nhất thế giới. Và mọi người bắt đầu lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế: các công ty sẽ kinh doanh và tăng trưởng sao nổi khi chi phí đầu vào tăng vọt, hàng hoá vẫn ứ đọng ở các cảng biển tại Trung Quốc do các lệnh phong toả nghiêm khắc, trong khi hầu bao của người dân khắp thế giới thì teo tóp lại sau 2 năm dịch bệnh khó khăn.
  2. Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất thêm 0,5% và phát đi thông điệp rõ ràng về việc sẽ không ngừng chuyện này lại và thậm chí còn làm nó mạnh tay hơn cho tới trừng nào lạm phát được kìm hãm. Vâng, lãi suất tăng sẽ đi kèm với 2 việc: một là chi phí lãi vay của các công ty sẽ gia tăng nhanh chóng và hai là các nhà đầu tư sẽ có xu hướng rút tiền ra khỏi các tài sản mang tính đầu cơ rủi ro cao và quay lại với việc gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ – những thứ vốn được coi như có rủi ro bằng 0.

Ủa mà sao nãy giờ tôi chỉ nói ở Mỹ vậy, có liên quan gì tới chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm nhỉ. Sự thực là những yếu tố trên có thể làm suy thoái nền kinh tế Mỹ, và khi đó thì nền kinh tế của một nước đang phát triển, đang cố gắng tận dụng nguồn vốn đầu tư từ Hoa Kỳ và phương Tây, cũng như rất trông đợi vào các hợp đồng xuất khẩu hàng hoá vào những thị trường này như Việt Nam bị ảnh hưởng sẽ là lẽ dĩ nhiên. Nhưng trên hết, tôi thấy mọi người thường phản ứng với những thông tin này theo kiểu:

Ồ, chứng khoán Mỹ đi xuống rồi, kinh tế Mỹ đi xuống rồi, bán tháo cổ phiếu Việt Nam thôi.

Đó là cách mà tôi thấy mọi người vẫn hay phản ứng dạo này :)))

Còn thực tế ở tại Việt Nam, thì những điều như thế này đang xảy ra:

  1. Thị trường chứng khoán bị lũng đoạn quá nhiều, liên tục là các vị chủ tịch nổi tiếng, lãnh đạo cao cấp của Bộ Tài chính bị kỷ luật, cách chức và bắt giam.
  2. Sau “sự cố” tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã đóng băng 100% trong tháng 04/2022. Việc này gây ra rất nhiều gián đoạn cho hoạt động huy động vốn triển khai dự án, đảo nợ và duy trì hoạt động.
  3. Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng đã chạm mức 7,5%/năm, làm nhiều người phân vân xem có còn nên bỏ tiền ra để phiêu lưu với chứng khoán không.
  4. Nợ vay margin toàn thị trường đạt gần 9 tỷ USD tại thời điểm cuối Quý 01/2022, một số công ty chứng khoán đã sắp hết dư nợ cho vay bởi đã chạm mức tỷ lệ nợ cho vay/vốn chủ sở hữu = 2. Điều này làm cho thị giá cổ phiếu chỉ cần suy giảm nhẹ cũng có thể kích hoạt một đợt bán giải chấp toàn thị trường,  điều đã diễn ra trong các phiên giao dịch mà bảng điện tử chỉ một màu xanh lơ kinh dị thời gian vừa rồi.

Tất cả những điều này, dù ít dù nhiều đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong quãng thời gian nhiều năm tới. Đã bắt đầu có những Quỹ đầu tư nổi tiếng tại Việt Nam tăng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt (bằng cách bán bớt hoặc bán hết cổ phiếu) lên mức cao nhất 2 năm. Còn trên phạm vi thế giới, các Quỹ đầu tư đang gia tăng tỷ lệ vị thế tiền mặt lên cao nhất trong vòng 20 năm qua – một thông tin không tưởng về sự bi quan của mọi người.

Còn tôi, thú thực thì tôi chỉ nghĩ rằng, nó đã tăng cao phi lý rồi thì bây giờ nó phải giảm là hợp lý :)))

Nếu các bạn theo dõi blog của tôi từ lâu thì đều có thể thấy tôi đã cảm thấy ghê sợ vì mức tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 2 năm qua như thế nào. Chẳng có gì khó khăn khi phải tìm ra một công ty có tình hình kinh doanh tệ hại liên tục, thể hiện ở mức lỗ nhiều năm qua hoặc sự tăng trưởng là không hề có nhưng vốn hoá thị trường thì cứ tăng cao một cách điên rồ. Giờ đây, nhiều công ty như vậy đang chứng kiến mức giảm giá lên tới 80% từ đỉnh cao nhất của mình – một điều không hề oan ức.

Thậm chí, có những người bạn uyên bác và thận trọng của tôi còn cho rằng VN-Index chỉ xứng đáng với mức 900 – 1000 điểm ở hiện tại. Thông điệp từ họ không phải là hãy tin chúng tôi và bán cổ phiếu đi vì tôi biết những nhà đầu tư như họ chẳng bao giờ dại dột mà khuyến nghị bừa bãi cho ai. Ý của họ ở đây là “hãy luôn lái xe bằng cả hai tay, mở to mắt và đừng chơi trò margin“. Đúng là những lý do trên sẽ ảnh hưởng khá mạnh tới sự tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong thời gian tới, nhưng điều đó đâu có nghĩa là chúng ta vứt bỏ hoàn toàn những sự thật như quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, chúng ta có nền chính trị cực kỳ ổn định, và thị trường chứng khoán thì đã gần lắm rồi cái ngày được nâng hạng lên mức “thị trường mới nổi” – tức ngang bằng với Trung Quốc và điều này có thể đem về nhiều tỷ tới cả chục tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp mỗi năm cho Việt Nam.

Rồi, giờ quay lại với tôi và khoản đầu tư nhỏ bé tại Quỹ KPS của mình. Tính từ đầu năm thì bây giờ tôi chỉ còn sinh lời khoảng gần 2%, cách khá xa cái mục tiêu 20%/năm mà tôi tự đặt ra cho mình, nhưng biết sao được, giá cổ phiếu có phải thứ tôi điều khiển được đâu. Hai khoản đầu tư tự hào nhất của tôi đều đã giảm 20 – 25% từ đỉnh, nhưng may mắn thay khoản đầu tư chiếm tới hơn 50% tổng tài sản thì lại khá cứng đầu và chỉ giảm dưới 5%, chính điều này đã kiểm định lại cho tôi một nguyên lý trong đầu tư mà các bạn có lẽ sẽ cần, đó là:

Khi chúng ta mua được một doanh nghiệp xuất sắc, ở mức giá rẻ đáng kể, thấp hơn rất nhiều mức giá trị nội tại của nó, thì chúng ta rất an toàn.

Nhưng nếu ngay cả khi đó mà giá cổ phiếu của nó vẫn giảm thì sao? Ừ thì một là ngồi chơi đợi nó tự về lại giá trị nội tại, hai là nếu còn tiền thì cứ mạnh dạn mà mua thêm. Tương lai tài chính của bạn sẽ biết ơn bạn vì điều đó.

Từ đầu tới giờ, hoàn toàn là tôi đang kể lại câu chuyện diễn ra trên thị trường, từ Âu sang Á và xen kẽ chút “khoe mẽ” về thành tích của mình. Nhưng mục đích của bài viết này là cung cấp cho các bạn một cách hành động đầu tư đúng đắn trong giai đoạn thị trường giảm điểm và chia sẻ lại cách tôi đã làm để có thể bình tĩnh không bán bất cứ thứ gì và minh mẫn ngồi đây viết blog cho các bạn đọc:

  • Về cách hành động: nếu như các bạn đã mua vào mà chẳng có lý do gì hợp lý, chỉ là những suy luận ngắn gọn, đơn giản mà không thể trả lời được những câu hỏi đại loại như công ty này đang kinh doanh như thế nào, ban lãnh đạo là ai, lợi thế cạnh tranh là gì và thứ gì bảo đảm mình sẽ không thua lỗ ở đây. Tệ hơn nữa là bạn mua vì được người khác phím và còn mua bằng nợ vay margin thì làm ơn, bán hết ngay lập tức đi. Bạn sẽ không thể chịu nổi cảm giác tâm trí gào thét vì tài khoản đã âm trên 20% đâu. Còn nếu bạn chưa “mua sắm” gì, hãy cân nhắc vì giai đoạn này xứng đáng để bạn nghiên cứu. (Hoặc nếu một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm nào đó vô tình lạc bước vào bài viết này thì chắc chắn các bạn sẽ không cần nghe lời khuyên của tôi về giai đoạn này)
  • Về kinh nghiệm của tôi: Giai đoạn này giúp tôi nhận ra một điều hết sức thú vị mà tôi rất hy vọng các bạn sẽ hiểu được, đó là: “nếu chúng ta hiểu thực sự rõ về công ty chúng ta đầu tư, nắm đủ thông tin chính xác và có một biên độ an toàn đáng kể thì tâm lý của chúng ta sẽ rất vững vàng, hoàn toàn không hề có câu hỏi “nên bán không” hiện ra trong trí não của mình, bất kể thị trường có giảm ra sao“. Đây là một điều khó nắm bắt, chắc chắn là vậy, tôi đã cần review lại một lượt danh mục đầu tư của mình, gọi cho ban lãnh đạo các công ty để nắm bắt được các vấn đề cũng như các cơ hội họ đang gặp phải. Tới giờ phút này, ơn Chúa, họ vẫn rất tử tế và thẳng thắn chia sẻ với tôi, các lợi thế cạnh tranh vẫn còn nguyên, thậm chí là được củng cố. Và đó là lý do tôi chẳng có gì phải sợ hãi cả.

Đầu tư thực sự rất dễ hiểu, nó chỉ đơn giản là tìm những công ty xuất sắc, xác định tương đối chính xác giá trị nội tại của nó (bất kể bạn tự nhận mình là nhà đầu tư giá trị hay tăng trưởng) và rồi thì tìm cơ hội mua được nó ở một mức giá dưới sâu mức giá trị đó. Vì thế giới này cũng đơn giản tương tự: mọi thứ càng vận động thì càng quay về giá trị thật của nó. Tuy nhiên, chính sự đơn giản tới trần trụi như vậy, hài hước thay mới làm cho thế giới này thật khó sống và đầu tư thật khó thành công, lý do là chúng ta đã luôn để cảm xúc chi phối mình quá nhiều trong việc ra các quyết định, chỉ cần bình tĩnh lại, học tập và nghiên cứu chăm chỉ, dành thời gian hàng chục nghìn giờ để rèn luyện các kỹ năng và tâm lý của mình, các bạn sẽ thấy nó mới đơn giản và đẹp đẽ làm sao.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *