Gần đây, có một người chị nhắn hỏi tôi như thế này:
– Em ơi, bao nhiêu tiền thì chơi được chứng khoán?
– Sao chị tự nhiên quan tâm tới chuyện này?
– Thì bây giờ dư được vài chục triệu, cứ buôn buôn bán bán như này mãi không giàu mà nhà cửa thì chưa mua được nên chị muốn thử xem có giàu được vì chứng khoán không.
Tôi cho rằng những lời thắc mắc như thế này là không hề hiếm hoi tại không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Suốt hơn 02 năm đại dịch Covid hoành hành, dòng tiền dễ dãi vì thiếu cơ hội đầu tư mà đã chen chúc nhau nhảy bổ vào thị trường chứng khoán để hy vọng có thể đầu cơ lướt sóng một thời gian mà trở nên giàu có – một điều tôi đã giải thích và cảnh báo vô số lần. Vậy nên, tôi đành ngậm ngùi trả lời người chị của mình rằng mong ước của chị là bất khả thi và thậm chí nguy cơ mất tiền còn rất cao, nên tốt nhất là tạm thời hãy tránh xa nó.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa của sự thật, một nửa còn lại là: nếu chúng ta có một tư duy tài chính đúng đắn, chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thoải mái với số dư tài sản và tương lai cuộc sống của mình. Điều này có thể được khắc hoạ rõ nét hơn qua cuốn sách “The Simple Path to Wealth” – một cuốn sách được viết như tập hợp rất nhiều lời khuyên từ một người cha bình dị trong xã hội Mỹ gửi cho con gái của mình, về việc ông và vợ đã sống như thế nào để có thể tự do làm việc, nghỉ ngơi và theo đuổi những đam mê mà vẫn có thể rủng rỉnh túi tiền nhất có thể. 03 nguyên tắc ông chia sẻ với con rằng:
- Không vay nợ,
- Tiết kiệm tối thiểu 50% thu nhập của mình,
- Đầu tư vào Quỹ chỉ số Vanguard 500 để nhận được tỷ suất sinh lời đều đặn 11,9%/năm trong hơn 40 năm liên tục.
Trước tiên thì tôi muốn lưu ý bài viết này và rất nhiều bài viết khác của tôi không nhằm mục đích chia sẻ hay dạy dỗ mọi người về việc làm cách nào để trở nên giàu có. Tôi chỉ đang cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm và góc nhìn của cá nhân mình và rất nhiều cá nhân bình thường khác trong xã hội về việc chúng ta hoàn toàn có thể sống thoải mái, hạnh phúc với khối tài sản vừa đủ mình tích cóp được qua nhiều năm, và cách để đi tới khoảnh khắc đó một cách bình yên nhất có thể. Xin mọi người lưu ý cái khúc này nha.
Thực ra trong cuốn The Simple Path to Wealth thì nguyên tắc đầu tiên là tiết kiệm tối thiểu 50% thu nhập, không vay nợ là nguyên tắc thứ hai. Nhưng tôi cho rằng chúng ta nên đưa nguyên tắc không vay nợ lên làm số 1, bởi vì nợ vay có thể gây ra tác động tiêu cực gấp nhiều lần việc không biết tiết kiệm: một gia đình không biết tiết kiệm sẽ không thể giàu lên nhưng một gia đình vay nợ bất cẩn thì có thể phá sản, đánh mất tất cả và trở nên nghèo khó tới cùng cực. Vậy nên nợ nần chính là kẻ thù có thể ném chúng ta vào một vũng lầy không có lối thoát, là hòn đá cản đường đầu tiên mà chúng ta cần tránh xa nó bằng mọi giá và mọi cách có thể. Nếu bạn không tin điều này thì hãy để ý lại chiếc thẻ tín dụng mình đang dùng, rất có thể bạn sẽ phải giật mình với mức lãi suất trên 20%/năm, hoặc gần 50%/năm đấy. Con số này ở Hoa Kỳ sẽ dao động quanh mốc 25% năm – đủ khiến bạn và gia đình lao đao khốn khổ và thậm chí là không bao giờ trả hết nợ.
Nợ nần sẽ bào mòn thu nhập của chúng ta dưới dạng lãi suất cho vay, mọi dòng tiền thu về ví của mình đều sẽ phải chịu áp lực dành cho trả nợ trước tiên và đôi khi là trả xong chẳng còn lại bao nhiêu. Tuy nhiên, tác hại ghê gớm nhất của nợ nần nằm ở việc nó sẽ huỷ hoại hệ thống thần kinh của con người; lo lắng, sợ hãi, xấu hổ, cô đơn rồi tuyệt vọng là những cảm giác mà người vay nợ đa phần sẽ trải qua, nó có khả năng cao sẽ dẫn tới một trạng thái gọi là “buông xuôi”, mặc kệ cho nước chảy thì bèo trôi, được tới đâu hay tới đó, chủ nợ mà đòi thì “đấy ông đến khuân được cái gì thì khuân đi đi”.
Tôi biết sẽ có nhiều người lập luận rằng việc vay nợ sẽ khiến họ có thêm động lực làm việc, kiếm tiền, gia tăng thu nhập và vươn tới sự giàu có. Điều này là có thật với nhiều cá nhân, tuy nhiên đây là lúc chúng ta cần đưa ra sự lựa chọn của mình: liệu mình sẽ chăm chỉ làm việc, kiếm tiền, gia tăng thu nhập, năng cao khả năng tiết kiệm và tái đầu tư với hiệu suất cao hơn của mình để thư thái vươn tới sự tự do hay thích chơi trò vay nợ mà chẳng khác gì việc “đi vào chỗ chết để hy vọng tìm ra một đường sống le lói”?
Quay trở lại với cuốn sách chúng ta đang tìm hiểu, tác giả và gia đình của mình tự đặt ra một mức tiết kiệm tối thiểu hàng tháng là 50% thu nhập, bền bỉ trong hàng chục năm. Câu hỏi đầu tiên đặt ra ở đây là tại sao lại phải tiết kiệm? tại sao không được phép chi tiêu hết những gì mình đã cực kỳ vất vả mới có thể làm ra? Chà, hãy nhìn cách Covid đã đóng băng tài khoản, chấm dứt công việc và thu nhập của rất nhiều người Việt Nam trong hơn 02 năm qua, bạn có chắc là một điều tương tự như vậy sẽ không thể xảy ra trong tương lai? Tôi không tin vào điều đó! Trong gần 30 năm cuộc đời, tôi đã được chứng kiến mọi người hoảng loạn vì vô số đại dịch như Sars, H5N1, Covid-19; chịu tác động tiêu cực của Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008, chống chịu mức lãi suất cho vay lên tới 18 – 20% vào năm 2012, căng thẳng Mỹ – Trung và việc Hoa Kỳ nâng lãi suất làm thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm gần 30% giá trị năm 2018. Vậy nên những khoản tiết kiệm đều đặn có thể chưa làm chúng ta giàu, nhưng chắc chắn sẽ giúp chúng ta sống sót và sống tốt qua những cơn biến động của thế giới và cuộc đời của mình.
Câu hỏi thứ hai là tại sao lại là 50% mà không phải con số khác? Tôi cho rằng con số này là không cố định và sẽ thay đổi với từng người, một chàng trai trẻ mới đi làm sẽ đủ khả năng nâng con số này lên 60 – 80% nhưng một gia đình trẻ mới sinh con và thu nhập trung bình thì tỷ lệ này ở mức 10% có thể đã là xuất sắc. Ở đây tác giả là một người đã có công việc đầu tiên vào năm 13 tuổi nên tỷ lệ tiết kiệm 50% thu nhập là trong tầm tay của ông. Áp dụng với Việt Nam thì tôi cho rằng con số 50% cũng là hợp lý và nên đạt được, nếu không thể thì hy vọng các bạn đừng giảm nó xuống dưới 30%. Thậm chí với nhiều người tôi biết, tỷ lệ này còn lên tới 90% rất phi thường.
Và bây giờ sẽ là phần thú vị nhất của cuốn sách, nơi mà toàn bộ phần tiền tiết kiệm ở trên sẽ được tái đầu tư một cách hết sức cẩn trọng và thông minh để chủ nhân của nó ngày càng giàu có và thịnh vượng hơn. Nói nôm na thì Quỹ chỉ số là nơi mà mọi người có thể đeo bám tương lai tài chính của mình vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia dựa trên nền tảng là thị trường chứng khoán. Quỹ chỉ số mà tác giả đề cập tới là quỹ mô phỏng lại danh mục đầu tư bao gồm 500 cổ phiếu của 500 công ty hùng mạnh nhất Hoa Kỳ tại mỗi thời điểm theo tỷ trọng hợp lý, nó được khai sinh vào năm 1976 và tồn tại cho tới tận hôm nay với mức sinh lời đều đặn khoảng 12%/năm, tức là nó đã gia tăng giá trị gấp gần 164 lần giá trị ban đầu. Nếu điều này là khó hiểu thì hãy ví dụ ở Việt Nam cũng tồn tại một quỹ như vậy từ 45 năm trước và đều đặn mỗi năm chúng ta bỏ vào đó 100 triệu đồng, thì bây giờ chúng ta đã có khối tài sản gần 136 tỷ đồng từ số vốn đầu tư chỉ 4,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên điều thú vị là cơ cấu chi phí rất thấp của nó, chỉ khoảng 0,04% – 0,14% Tổng giá trị tài sản của Nhà Đầu tư mỗi năm, khác hoàn toàn với các Quỹ Đầu tư tương hỗ thu phí 1 – 2%/năm mà kết quả thì tệ hại. Quay trở lại Việt Nam hiện tại thì tôi thấy Quỹ giống nhất với Vanguard 500 trên là Quỹ ETF VinaCapital VN100 mới thành lập ngày 16/06/2020 và đang đạt lợi nhuận khoảng 75,3% từ đó tới nay. Chỉ có điều là Quỹ thu phí thường niên lên tới 0,67% tổng tài sản đầu tư/năm và còn quá mới để có thể đánh giá hiệu quả. Đó cũng chính là một phần lý do tôi khuyên người chị mình không nên đầu tư vào chứng khoán lúc này, có rất ít sự lựa chọn an toàn.
Nhưng ít không có nghĩa là không có, tác giả mặc dù là một nhà đầu tư không chuyên, không dành toàn bộ thời gian để quản lý đầu tư nhưng lại có rất nhiều tư duy đáng giá mà tôi cho rằng chúng ta rất nên tham khảo. Ông hiểu rõ sự điên rồ của thị trường chứng khoán và tính liên tục đi lên trong dài hạn của nó để tận dụng những đợt thị trường suy giảm và gia tăng khoản đầu tư của mình nhằm mục đích làm giàu trong tương lai nhờ một cơ cấu chi phí thấp và hiệu quả đầu tư thoả đáng. Chúng ta cũng nên vậy, kiểm soát chi phí của mình một cách sát sao bằng việc không tiêu xài cho những nhu cầu xa hoa và mang tính phông bạt với xã hội, tránh xa những Quỹ Đầu tư thu phí quản lý thường niên cao và việc giao dịch thường xuyên để tối thiểu phí cho các công ty chứng khoán.
Trên đây là tóm gọn một vài ý tưởng chính trong cuốn “The Simple Path to Wealth” về cách những con người bình thường có thể làm như thế nào để trở nên tự do hơn, thoải mái làm việc, nghỉ ngơi và theo đuổi các đam mê của mình. Để có thể đọc chi tiết hơn, các bạn có thể tìm mua nó tại đường link này.