Cách đây ít hôm, có một người gửi thư hỏi tôi về một công ty mà tôi đã đầu tư, anh ấy đặt câu hỏi như thế này: “Liệu tôi có nên ước lượng thời gian khấu hao còn lại để dự phóng lợi nhuận tương lai cho công ty hay không?”
Thú thực rằng khi nhận được câu hỏi này tôi cảm thấy đây quả là một ý tưởng rất thú vị và sự hiệu quả của nó, biết đâu đấy cũng sẽ khá chính xác. Tuy nhiên, suy nghĩ sâu và rộng hơn, tôi nhận ra việc này là một việc làm vô cùng nguy hiểm! Để hiểu tại sao tôi lại nói điều này nguy hiểm, có lẽ chúng ta nên ngược dòng thời gian một chút để xem lại về việc gia đình tôi đã mất trắng 100.000 USD chỉ bởi vì ham hố tham dự cuộc đua sản xuất khẩu trang vào đầu đại dịch Covid như thế nào.
Hồi đó, cha tôi được người quen giới thiệu về việc đầu tư dây chuyển sản xuất khẩu trang với chi phí đâu đó tầm 2 – 5 tỷ VNĐ/dây chuyền, đầu ra được “người trên bộ công an” bao tiêu xuất khẩu. Hoàn vốn trong 6 tháng – 1 năm và từ đó trở đi cứ ngồi mà đếm tiền hàng tuần. Thậm chí những người quen đó còn cầu mong cho đại dịch còn lâu mới kết thúc để họ làm giàu tới vô tận!
Chà, họ đã đúng, 2 năm sau cái ngày đó thì Covid bây giờ vẫn đang hoành hành và khẩu trang thực sự đã trở thành mặt hàng thiết yếu trong 2 năm vừa qua và có lẽ sẽ là trong nhiều năm sau này. Ấy thế nhưng, bất chấp điều đó, khoản góp vốn 100.000 USD của cha tôi vào 02 dây chuyền sản xuất khẩu trang vẫn được coi là mất trắng tới thời điểm hiện tại. Lý do là vì các đơn vị nhận vốn góp quá chậm chạp trong việc triển khai dự án dẫn đến việc mất hợp đồng, chi phí đầu tư dây chuyền ban đầu bị đội giá quá nhiều do cầu lớn hơn cung, chưa kể tới việc dây chuyền sản xuất đa phần đều có nguồn gốc từ “ông bạn Trung Quốc” có chất lượng kém, hoạt động thiếu ổn định: chạy 3 ngày thì sửa mất 2 ngày. Đó chỉ là một vài trong số nhiều lý do khác dẫn đến một cuộc đầu tư thất bại.
Được chứng kiến sự kiện này đã tác động rất nhiều tới tâm lý và tư duy của tôi, và bây giờ khi nghĩ lại tôi mới nhận ra sâu sắc 03 điều cực kỳ quan trọng, đó là:
- Nhà đầu tư thì luôn đi tìm biên độ an toàn, nhà đầu cơ thì luôn đi tìm lợi nhuận tiềm năng.
- Nhà đầu tư đa phần sẽ nhìn về quá khứ, nhà đầu cơ đa phần sẽ nhìn về tương lai.
- Nhà đầu tư ít lạc quan, nhà đầu cơ rất lạc quan.
Nhà đầu tư sẽ luôn là những người ít lạc quan, họ nhìn về quá khứ và đánh giá xem trong 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm, 50 năm qua công ty này đã làm được những gì và họ sẽ định giá một cách cẩn trọng công ty trên cơ sở đó. Ý nghĩa của việc này là họ hiểu rằng nếu như trong tương lai, công ty vẫn duy trì được khả năng trung bình như nhiều năm qua thì họ sẽ có lợi nhuận rất thoả đáng khi mua được công ty ở mức giá có biên độ án toàn đáng kể.
Còn nhà đầu cơ thì đa phần lại là những người rất lạc quan trước khi xuống tiền. Họ chỉ nói về tiềm năng phi thường và các điệu kiện tích cực sẽ xảy ra trong tương lai để từ đó ra quyết định mua. Bản chất của việc làm này là họ đang dự đoán tương lai, chơi đùa với tương lai mà hỏi thật các bạn là trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, bạn đã thấy được mấy người là một nhà tiên tri đại tài với khả năng đoán đâu trúng đó? Lợi nhuận của họ, do đó, thực sự cũng không khác cờ bạc quá nhiều!
Bạn cho rằng xác xuất để công ty duy trì được khả năng trung bình và xác suất để công ty gặp được những tiềm năng phi thường, thì xác suất nào là lớn hơn?
Cá nhân tôi thì sẽ ngay lập tức chọn vế thứ nhất, nhất là sau khi chứng kiến hết đại dịch SARS rồi lại tới H5N1, Ebola, Covid rồi thì chiến tranh Iraq, căng thẳng Iran, Triều Tiên, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chiến tranh Nga – Ukraina diễn ra một cách hết sức bất ngờ và không thể lường trước.
Quay trở lại với người bạn gửi thư cho tôi ở đầu bài, vấn đề sử dụng thời gian khấu hao còn lại để dự phóng lợi nhuận cho công ty thực ra rất hợp logic và nếu trong trường hợp anh ấy chỉ dự phóng lợi nhuận trên cơ sở công ty duy trì năng lực trung bình như bây giờ nhưng tài sản đã khấu hao hết thì là khá chính xác. Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở đây tôi cho rằng việc này rất dễ hình thành thói quen đầu tư dựa trên dự phóng lợi nhuận hay như tôi đã giải thích thì việc này không khác gì chơi đùa với tương lai. Chúng ta cần nhận thức rõ rằng mình chỉ là người phàm, không phải thần tiên để mà có thể nhìn thấu tương lai nên việc chơi đùa với tương lai như vậy tôi thiết nghĩ là rất không nên. Hơn nữa, con người chúng ta có xu hướng hành động theo thói quen, nên việc tạo dựng thói quen tránh xa việc dự phóng lợi nhuận là hết sức cần thiết.
Chúc các bạn sẽ có một tuần đầy năng lượng!
Rất hay, tự nhiên tìm được blog của bạn và qua web này! Con đường đầu tư giá trị quả thực nhàm chán và cô độc. Đòi hỏi 1 kỷ luật rèn luyện bản thân kham khổ. Thường họ sẽ tìm dc rất ít bạn đồng hành, vì ở VN người theo trường phái này rất ít. Vì vậy mỗi lần tìm được 1 team hoặc 1 bạn nào đó có cùng tư duy đầu tư mình rất trân trọng và lưu vào 1 mục riêng. Hy vọng có thể là bạn bè và trao đổi học hỏi kiến thức đầu tư với bạn.
Chúc bạn nhiều sk và tạo thêm nhiều giá trị hơn nữa.