Tôi chưa định hình xem sẽ công bố bài viết này vào lúc nào, tuy nhiên thì tôi vừa mới được truyền cảm hứng để viết bài này ngay tại bàn ăn bữa trưa nay và tôi thấy mình cần có trách nhiệm nêu ra ngay những trải nghiệm của mình để giúp Quý bạn đọc sáng suốt hơn trên hành trình đầu tư.
Chuyện là sáng nay cô giúp việc bán thời gian cho gia đình tôi mới bị mất việc ở một gia đình khác, lý do thì bởi vì cô ấy không chấp nhận việc không được tăng lương thêm 300.000vnđ/tháng. Vâng, bạn không nghe nhầm đâu, vì 300.000vnđ mà mất việc đó ạ. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cô ấy không được gia đình nhà chủ kia nuôi ăn sáng toàn bộ, kèm đó là thường xuyên được cho thêm rất nhiều thức ăn bởi vì bạn biết đó, giúp việc làm tốt thì chủ nào chả thương.
Nói tới đây thì ai chẳng nhận ra là cô giúp việc kia đã quá tham lam nhỉ, thậm chí là còn ngốc nghếch và không hề có một chút gì gọi là tầm nhìn cả.
Chưa hết, ngay hiện tại thì công việc kinh doanh của gia đình tôi cũng đang gặp những trục trặc khi mà nhân công đình công tập thể. Lý do thì không phải do lương thưởng bèo bọt gì, cũng không phải do tôi đã đối xử không tốt với họ bởi vì ngày tôi tuyên bố từ chức quản lý cũng chính là ngày họ nghỉ tập thể. Ấy nhưng cái lý do khiến họ đình công tập thể đó là để gây sức ép lên người quản lý mới phải chấp nhận với những yêu sách về điều kiện làm việc phải giữ nguyên như khi tôi còn quản lý. Người quản lý mới không đồng ý, vậy họ nghỉ. Họ thậm chí còn đình công theo một cái cách vô cùng xấu xí đó là nghỉ đồng loạt vào đúng ngày mùng 1 tết – cái ngày mà chẳng thể thuê được ai lấp chỗ trống. Điều mà tôi cho rằng thật “đáng chê trách” ở đây là họ đã cực kỳ thiếu trách nhiệm và thiếu uy tín khi đã không thực hiện lời cam kết của mình, thử thách sự lì lợm của nhà quản lý bất chấp việc bao năm qua họ đã giúp đỡ mình và gia đình của mình.
Nhìn rộng hơn, những câu chuyện dở khóc dở cười đối với vấn đề nhân sự trình độ thấp không ở đâu là hiếm. Từ giúp việc, bồi bàn, phục vụ bếp, shipper, cộng tác viên bán hàng, telesales, vân vân và mây mây; nơi nào có những nghề nghiệp trên là tôi thấy nơi đó không hề thiếu những câu chuyện về việc nhân viên này thiếu trách nhiệm, nhân viên kia vô kỷ luật, anh A lúc nào cũng đi muộn mà còn đòi tăng lương, chị B thì trong giờ làm 4 tiếng mà thời gian chạy đi nhận đồ của shipper hết luôn 2 tiếng.
Có điều gì chúng ta nhận ra ở đây không nhỉ? Tại sao những câu chuyện đó diễn ra suốt chiều dài lịch sử loài người ở đủ mọi lĩnh vực nhưng chúng ta vẫn căng thẳng phiền não và rồi mệt mỏi vì nó vậy? Chúng ta cùng nhau áp dụng cái tư duy “Tiên trách kỷ, hậu trách kỷ” để giải quyết vấn đề này nha các bạn.
Đầu tiên, các bạn có thừa nhận với tôi là đa phần những ngành nghề trên là ngành nghề cần ít chất xám, được đào tạo ít bài bản, trong thời gian ngắn, cần ít kinh nghiệm, đi làm ngay và lương nhìn chung là không cao, đúng chứ?
Ủa, vậy bạn biết thế, bạn trả người ta lương 3 – 5 triệu/tháng nhưng bạn đòi người ta trung thành, làm cật lực, nửa đêm gọi dậy chạy deadline cũng phải nghe, lúc nào cũng phải ngoan, lễ phép, lịch sự bất kể áp lực trong cuộc sống đang đè nặng lên đôi vai của họ sao? Chưa hết, bạn đòi người ta phải là người có trí tuệ cảm xúc tốt, biết giao tiếp tốt, nghỉ việc thì phải có trách nhiệm bàn giao lại công việc cụ thể cho người đến sau, nói với sếp từ sớm và trong một thái độ lịch thiệp, quan tâm tới cảm xúc và công việc mà sếp đang phải gánh vác?
Thưa bạn, có lẽ bạn tham quá rồi đó!
Bạn dường như đang bước vào ngành bán lẻ hàng tiêu dùng nhưng đòi biên lợi nhuận khổng lồ như ở ngành bất động sản vậy. Làm ơn tỉnh táo lại đi nào, bạn có nghe câu “Đi với bụt mặc áo cà xa, đi với ma thì mặc áo giấy” rồi chứ? Bạn thuê nhân viên cơ bản nhưng dường như đang kỳ vọng (một cách vô hình trong đầu) về một nhân viên quản trị cấp cao thì phải.
Tôi cho rằng một nhà quản lý điển hình chịu trách nhiệm tuyển dụng và làm việc cùng những nhân viên cấp thấp như trên cần phải hiểu thực tế rằng mình đang tuyển ai, làm việc cùng ai, họ có những điểm yếu gì để mà luôn sẵn sàng tâm thế có nhân sự dự phòng và tuyển nhân sự mới một cách thường xuyên. Bạn làm được thế thì bạn lo gì nhân viên thiếu trách nhiệm, lo gì nhân viên nghỉ việc đột ngột và một lợi ích nữa là các nhân viên dưới quyền bạn cũng hoàn toàn hiểu rằng đang có đầy người sẵn sàng thay thế mình nếu mình làm không tốt.
Chỉ một tư duy của người quản lý thôi nhưng sẽ vừa làm họ thư thái làm việc, vừa khiến nhân viên không bị chịu áp lực phải diễn vai nhân viên cao cấp, vừa có động lực làm việc để thăng tiến hoặc không bị mất việc. Còn nếu người quản lý không có tư duy trên thì sao? Chẳng phải là quản lý mệt mỏi, công việc trì trệ, nhân viên bất mãn vì liên tục phải làm quá giờ nhưng lương không tăng mà còn bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp sao?
Kể chuyện đủ rồi, giờ quay lại chủ đề đầu tư muôn thuở của chúng ta nhé các bạn. Các bạn có thấy hiện tại rất nhiều nhân viên văn phòng đi làm nhưng “tâm hồn treo trên bảng điện tử” không? Thậm chí còn nhiều bạn hồn nhiên tới mức lên Facebook viết một dòng trạng thái hỏi cộng đồng mạng là “Liệu em có nên nghỉ việc để ở nhà trading (giao dịch) không?” Hay rộng hơn, nhiều người đang có công việc ổn định nhưng lại đi “đánh chứng khoán”, buôn đất, giao dịch tiền số với mong ước đổi đời sau vài tháng, vài năm.
Nếu có dịp được gặp ngoài đời, tôi sẽ không làm phí thời gian của các bạn đó bằng cách nói thẳng với họ rằng họ đang quá tham lam rồi!
Các bạn đi làm công ăn lương cho người ta mà các bạn lười biếng công việc, cả ngày chỉ xem cái bảng xanh xanh đỏ đỏ nhưng các bạn đòi ăn đủ lương và lại còn giàu có sao? Các bạn chưa có ngày nào là học hành cho đàng hoàng để thành thạo cái công việc mang tên trading mà dám cân nhắc việc liều mạng nghỉ việc với mong muốn đổi đời nhờ trading sao? Hay là các bạn đang có công ăn việc làm ổn định, thấy trên mạng mấy ông hay xàm xàm tầm này đầu tư đất là nhất, vàng là nhất, chứng khoán là nhất cái xong là tưởng rằng mấy môn đó dễ ăn nhưng xin thưa với các bạn là rằng tỷ suất sinh lời trung bình hàng năm của một số lĩnh vực tại Việt Nam thời gian qua là như sau:
Nguồn: Báo cáo tỷ suất sinh lời – Dragon Capital
Vâng, trước khi nghỉ việc và mong đổi đời vì bất kỳ một lĩnh vực nào trong những lĩnh vực trên, tôi mong các bạn hãy tỉnh táo để mà xem lại bảng số liệu này, bạn nhé!
Có rất nhiều bất hạnh sẽ được sinh ra bởi chính chúng ta nếu như chúng ta không kiềm chế được lòng tham của mình. Người sếp đòi hỏi quá nhiều ở nhân viên, nhân viên đòi hỏi quá nhiều ở sếp, người yêu nhau đòi hỏi quá nhiều ở nhau, vợ chồng đòi hỏi quá nhiều ở nhau, bố mẹ và con cái đòi hỏi quá nhiều ở nhau, nhà đầu cơ đòi hỏi tỷ suất sinh lời quá lớn ở lĩnh vực mình còn khuya mới là chuyên gia, tất cả đều sẽ sinh ra bất hạnh.
Chẳng thế mà những Nhà Đầu Tư lọc lõi nhất, bản lĩnh nhất cũng cực kỳ “biết mình biết ta” khi họ chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận trung bình 15 – 20%/năm. Thậm chí, khi nói về con số này, họ còn phải thừa nhận rằng nó thực sự là một thử thách rất khó để chinh phục. Thế nên sự thành công của họ có một nguồn gốc rất lớn từ chính sự khiêm tốn và tự biết kiềm chế lòng tham của chính mình.
Chúc các bạn sẽ luôn “biết mình biết ta” để mà kiềm chế lòng tham của chính mình, yêu cuộc sống này vì chính bản thân nó chứ không yêu một cuộc sống do trí tưởng tượng “mù quáng vô tận” của mình tạo nên!