Sau rất rất nhiều bài viết trình bày tư tưởng, quan điểm, tư duy chung trong định hướng lựa chọn đầu tư thì tôi cho rằng đã tới lúc mình cần đi sâu hơn vào việc giúp nhà đầu tư thanh lọc thị trường bằng việc làm mẫu một vài trường hợp điển hình cho việc nên và không nên đầu tư. Nên vì những lý do gì và không nên bởi vì những lý do gì? Và để mở màn cho những bài viết như vậy, sẽ không có gì phù hợp hơn một họ cổ phiếu “hot trend” hiện nay không chỉ trên thị trường, trên các diễn đàn mà còn trên chính trang blog này – cổ phiếu “họ FLC”.
Sẽ có nhiều bạn đọc cho rằng tôi đang làm một bài viết vô nghĩa, mang tính “vuốt đuôi” bởi vì ai mà chả biết rằng cổ phiếu dòng này thời gian qua đã xảy ra những chuyện gì để mà mỗi nhà đầu tư sẽ tự có quyết định nên mua vào hay tránh xa rồi chứ. Ấy vậy mà nếu các bạn để ý, biến động thời gian qua của cổ phiếu dòng này và sự thất bát của nhà đầu tư vào chúng đã diễn ra tới lần thứ hai chứ không hề là lần đầu tiên, điều đó chứng tỏ có vô số người không hề học được điều gì từ quá khứ. Một điều nữa đó là trong một bài đăng trên trang cá nhân cách đây hơn nửa năm, tôi có nêu ra một thống kê do tự mình thực hiện, theo đó đã chỉ ra rằng tại ngày mở cửa thị trường chứng khoán năm 2016 tại sàn HOSE thì toàn bộ cổ phiếu của họ FLC đều gây ra thua lỗ cho nhà đầu tư nếu họ mua vào tại ngày đó và chỉ nắm giữ mà không hề làm gì tròn 05 năm kể từ đó. Điều này còn nổi bật hơn nữa khi mà tất cả các cổ phiếu gây ra điều này chỉ chiếm số lượng 24,4% số cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE ngày đó. Vậy thì tôi dám chắc rằng hàng chục ngàn nhà đầu tư mua vào cổ phiếu FLC trong phiên 10/01/2022 chắc hẳn phải là những bậc thầy về sự lạc quan.
Nói tới đây tôi mới thấy rằng một bài viết như thế này và rộng hơn là một series những bài viết kiểu này sẽ là vô cùng cần thiết cho Quý bạn đọc – những người sẽ cần những cảnh báo hơn là những khuyến nghị.
Cổ phiếu họ FLC bao gồm các công ty sau:
- Mã FLC: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT)
- Mã ROS: Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (FLC Land và ông Trịnh Văn Quyết nắm hơn 9% cổ phần)
- Mã ART: Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (Ông Trịnh Văn Quyết nắm 3,26% cổ phần)
- Mã AMD: Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Chứng khoán BOS nắm 1,83% cổ phần, FLC Faros nắm 1,33% cổ phần)
- Mã HAI: Công ty cổ phần Nông dược H.A.I (FLC nắm 12,65% cổ phần)
- Mã GAB: Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Ông Trịnh Văn Quyết nắm 51,09% cổ phần)
- Mã KLF: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Phân phối vé máy bay Bamboo Airways, vé sân golf FLC, nước uống đóng chai FLC beverage, thuốc bảo vệ thực vật H.A.I, đá FLC Stone,…)
- Và có chúa mới biết liệu sắp có công ty gì khác liên quan tới thương hiệu FLC và ông Trịnh Văn Quyết sắp được niêm yết hay không.
Việc phân tích toàn bộ bảy công ty trên không phải là một việc gì đó quá khó khăn, nhưng sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, Quý bạn đọc nếu rảnh rỗi nhân dịp đầu xuân có thể làm thử theo cách lần mò lại số liệu và tư duy logic như cách tôi sẽ làm mẫu với cổ phiếu FLC ngay bên dưới đây nhé.
Đầu tiên, chúng ta hãy nhìn qua lịch sử trả cổ tức của CTCP Tập đoàn FLC (Viết tắt: FLC) trong toàn bộ thời gian từ khi công ty được niêm yết chứng khoán cho tới nay (số liệu được cung cấp bởi finance.vietstock.vn):
Như vậy là trong 10 năm qua, Tập đoàn FLC đã trả cổ tức bằng tiền mặt 03 lần vào các năm 2012, 2013 và 2018; trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu 04 lần vào các năm 2014, 2015, 2018 (02 lần) và công ty cho phép cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu 04 lần vào các năm 2014 (02 lần), 2016, 2019. Công ty không thực hiện trả cổ tức trong các năm 2017, 2020 và 2021.
Ồ khoan đã nào, vậy là công ty chỉ trả cổ tức 7/10 năm qua.
Công ty trả cổ tức bằng tiền mặt 3/10 năm qua.
Công ty giữ lại tiền của cổ đông để tăng vốn điều lệ cho công ty trong 3/10 năm bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu. Mà bản chất của hình thức này là quyền lợi của cổ đông KHÔNG HỀ tăng thêm, họ chỉ nắm giữ nhiều “tờ” cổ phiếu hơn với giá trị nhỏ hơn mà thôi, hay nói cách khác thì cổ đông vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty, đó là chưa kể tới việc cổ đông vẫn bị đánh thuế thu nhập trong tình huống này, tức là càng nhận cổ tức thì cổ đông càng nghèo đi.
Công ty mời chào cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu trong 3/10 năm qua. Mà bản chất của việc làm này thường là vì công ty bị thiếu tiền mặt, thiếu vốn lưu động để chi trả các chi phí phát sinh hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng nhằm đảm bảo công ty có thể hoạt động bình thường. Vậy các bạn thử nghĩ xem liệu một công ty ăn nên làm ra có bao giờ thường xuyên thiếu tiền để hoạt động bình thường trong 3/10 năm qua không nhỉ? Liệu những Vinamilk, FPT, Thế giới di động, Hoà Phát có thường xuyên bị thế không?
Tiếp theo, do chưa có Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm 2021 của Tập đoàn FLC nên tôi sẽ dùng Báo cáo tài chính đã kiểm toán cho 6 tháng đầu năm 2021 của công ty để phân tích cơ cấu tài sản thời điểm đó của tập đoàn (tất cả mọi số liệu đã được làm tròn gần đúng). Tại ngày 30/06/2021, công ty có cơ cấu tài sản như sau:
- 132,4 tỷ đồng: Tiền mặt
- 205,6 tỷ đồng: Các khoản chứng khoán kinh doanh và tiền gửi nắm giữ tới ngày đáo hạn
- 11.394 tỷ đồng: Các khoản phải thu về vì cho khách hàng nợ, trả trước cho người bán, cho vay và các khoản “khác”
- 2.481 tỷ đồng: Hàng tồn kho
- 1.402 tỷ đồng: Các chi phí đã trả trước, các khoản thuế được nhà nước khấu trừ và hoàn lại
- 47,4 tỷ đồng: Các khoản phải thu về do cho vay dài hạn và phải thu “khác”
- 3.381 tỷ đồng: Tài sản cố định
- 350,7 tỷ đồng: Bất động sản đầu tư
- 5.723 tỷ đồng: Chi phí xây dựng dở dang các dự án
- 5.214 tỷ đồng: Đầu tư vốn góp vào các công ty liên doanh, liên kết, góp vốn kinh doanh
- 508,1 tỷ đồng: Các khoản chi phí trả trước dài hạn, thuế thu nhập hoãn lại và lợi thế thương mại (bản chất là khoản tiền thặng dư so với mệnh giá cổ phần đã mua vào)
Nào chúng ta hãy cùng tự suy ngẫm những câu hỏi sau trước khi chuyển qua nghiên cứu phần nguồn vốn của FLC nhé:
– Liệu như nếu gia đình bạn đang có 132,4 tỷ trong két sắt thì bạn có dám cho người khác “nợ” bạn 11.394 tỷ (tức gấp 86 lần) không? Hoặc giả sử là bạn dám đi, thì bạn nghĩ bạn có thể ngủ ngon mỗi tối nếu đang ở tình huống như vậy chứ, khi mà bạn không phải người có chuyên môn nghiệp vụ của một ngân hàng cho vay?
– Tiếp theo, đọc kỹ hơn phần thuyết minh Báo cáo tài chính thì chúng ta thấy rằng công ty đang sở hữu lượng cổ phần với giá vốn lên tới 4.293 tỷ (tức chiếm tới 13,92% tổng tài sản) vào Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mà vốn đang làm ăn cũng không được sáng sủa cho lắm. Bạn có cho rằng khoản đầu tư này là sáng suốt và sẽ giúp FLC ăn nên làm ra không?
Với lượng tài sản cố định trị giá tới hơn 3.000 tỷ đồng trong đó chủ yếu là nhà cửa và vật kiến trúc với thời gian khấu hao lên tới 50 năm sẽ làm cho chi phí khấu hao được ghi nhận hàng năm của FLC chỉ đâu đó 50 – 60 tỷ đồng – là quá nhỏ và sẽ dấn tới việc lợi nhuận rất dễ bị thổi phồng hơn thực tế của nó. Vậy bạn có cho rằng cách ghi nhận báo cáo tài chính như thế này sẽ phản ánh một cách thực tế nhất những gì đang diễn ra tại FLC không?
Đó là ba trong số rất nhiều câu hỏi chúng ta có thể tự vấn bản thân mình khi thực hiện phân tích sâu tình hình tài chính của Tập đoàn FLC tại ngày 30/06/2021, hy vọng rằng Quý bạn đọc sẽ công tâm tự trả lời chúng.
Tại ngày 30/06/2021, Tập đoàn FLC có cơ cấu nguồn vốn như sau (tất cả số liệu đã được làm tròn gần đúng):
- 2.497 tỷ đồng: Nợ người bán
- 5.067 tỷ đồng: Người mua trả tiền trước
- 1.179 tỷ đồng: Chi phí phải trả ngắn hạn
- 3.221 tỷ đồng: Phải trả ngắn hạn “khác”
- 2.091 tỷ đồng: Tiền đi vay ngắn hạn
- 284 tỷ đồng: Thuế phải nộp nhà nước
- 65 tỷ đồng: Doanh thu chưa thực hiện (thường là tiền cho thuê bất động sản được khách hàng trả trước)
- 69 tỷ đồng: Phải trả cán bộ công nhân viên và phải nộp quỹ khen thưởng, phúc lợi của Tập đoàn.
- 2.794 tỷ đồng: Phải trả dài hạn “khác”
- 3.750 tỷ đồng: Vay dài hạn
- 4 tỷ đồng: Khác
– Vốn chủ sở hữu: 9.816 tỷ đồng.
Vâng, bạn thấy đó, tập đoàn có vốn chủ sở hữu 9.816 tỷ đồng nhưng có tổng nợ ngắn và dài hạn lên tới 21.025 tỷ đồng (tức gấp 2,14 lần), đây là mức an toàn hay thiếu an toàn nhỉ?
Tổng số tiền đi vay ngắn hạn và dài hạn hiện đang là 5.841 tỷ đồng nhưng ở một khía cạnh khác của Báo cáo tài chính thì suốt từ khi niêm yết năm 2013 tới nay, lợi nhuận trung bình của FLC chỉ là xấp xỉ 458,6 tỷ đồng/năm. Đồng nghĩa với việc cả tập đoàn phải “nai lưng” ra làm trả nợ cho ngân hàng và các chủ nợ cho vay khác suốt trong 12,73 năm tới mà không hề được chia lợi nhuận cho cổ đông thì mới sạch nợ vay. Hỡi các nhà đầu tư đang có ý định trở thành cổ đông của FLC, các bạn có chấp nhận để chờ đợi 12,73 năm không hề có lợi nhuận không?
Và thêm một vấn đề nhỏ nữa ở đây, đó là tài sản ngắn hạn của FLC hiện có 15.616 tỷ đồng nhưng nợ ngắn hạn lại tới tận 14.476 tỷ đồng (tức chiếm 92,7%). Các bạn liệu có cho rằng việc đem toàn bộ tài sản hiện có của nhà mình đi bán hết mới thu được 100 đồng nhưng các chủ nợ lại sẽ tựa cửa chờ mong bạn trả nợ 92,7 đồng vào đêm 30 tết có phải một điều tốt không nhỉ?
Nào giờ chúng ta hãy cùng ngó qua bảng tổng kết thu-chi hay còn gọi là Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của FLC trong 08 năm qua (2013 tới hết 2020) xem liệu đây có phải một công ty mà “tiền vào như nước Sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin” không nhé. Sở dĩ tôi ưa thích Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hơn Báo cáo kết quả kinh doanh là bởi vì với quy định về nghiệp vụ kế toán tại Việt Nam thì việc ghi nhận doanh thu, chi phí, lợi nhuận cũng chỉ mang tính ước chừng còn theo dõi sự lưu chuyển của dòng tiền sẽ là một việc làm mang tính chính xác cao hơn rất nhiều: tiền vào thì ghi vào, tiền ra thì ghi ra, vậy thôi.
Trong 08 năm qua, FLC báo cáo các số liệu như sau:
- Tổng lợi nhuận sau thuế: 3.670 tỷ đồng
- Tổng dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh: 9.102 tỷ đồng
- Tiền chi ròng cho tài sản cố định: Âm 19.122 tỷ đồng
- Tiền lãi ròng do đầu tư mua các công cụ nợ (cho vay): Âm 3.719 tỷ đồng
- Tiền chi ròng cho hoạt động đầu tư, góp vốn: Âm 572 tỷ đồng
- Tiền thu lãi cho vay, cổ tức đầu tư được nhận: 2.909 tỷ đồng
Tới đây thì chúng ta hãy thử làm phép cộng đơn giản như sau để biết là trong 08 năm qua, dòng tiền mà FLC đã tạo ra là bao nhiêu:
9.102 + (- 19.122) + (- 3.719) + (- 572) + 2.909 = – 11.402 tỷ đồng.
Vậy là hoá ra trong suốt 8 năm qua, FLC không hề tích luỹ được thêm đồng xu nào mà ngược lại còn đang bị thâm hụt tiền mặt tới 11.402 tỷ đồng, bạn nghĩ con số này có khủng khiếp hay không?
Chưa hết, chính bởi vì việc hoạt động kinh doanh và đầu tư đã làm thâm hụt tới 11.402 tỷ đồng nên để duy trì hoạt động hàng ngày, buộc lòng FLC phải đi huy động thêm tiền từ bên ngoài mới có thể tồn tại được, hoạt động đó sẽ được miêu tả đầy đủ ở khoản mục lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính trong Báo cáo tài chính suốt 08 năm qua như sau:
- Tiền thu ròng từ huy động thêm vốn của cổ đông (phát hành cổ phần): 5.819,6 tỷ đồng
- Tiền thu ròng từ hoạt động vay nợ và trả nợ: 7.018,4 tỷ đồng
- Tiền chi để trả cổ tức cho cổ đông: Âm 228,5 tỷ đồng
Ở đây có mấy vấn đề sáng tỏ ra, thứ nhất là tiền dùng để trả cổ tức cho cổ đông trong 08 năm qua về bản chất là tiền đi vay ngân hàng chứ không phải là lợi nhuận do FLC làm ra. Thứ hai là FLC luôn trong tình trạng thiếu tiền, mặc dù báo cáo lợi nhuận khá lớn nhưng lại cần huy động thêm 12.838 tỷ đồng nữa, một lần nữa, công ty mà liên tục cần huy động thêm vốn thì theo bạn có phải một công ty khoẻ mạnh và lý tưởng để đầu tư không?
Và cuối cùng, mà trên thực tế đây sẽ là vấn đề đầu tiên tôi cân nhắc trước khi đi vào phân tích sâu tình hình tài chính, kinh doanh của một công ty – vấn đề BAN LÃNH ĐẠO. Từ trước tới nay, ai cũng hiểu một điều rằng nhắc tới FLC là nhắc tới Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và nhắc tới ông Trịnh Văn Quyết là nhắc tới Tập đoàn FLC. Vậy bạn có cho rằng ngài Trịnh Văn Quyết là một con người đáng tin cậy cả về đạo đức và năng lực kinh doanh để gửi gắm những đồng vốn quý giá của mình cho không? Và bạn thật sự nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong một mối quan hệ tồn tại những rủi ro về đạo đức chứ?
Bình thường thì sau khi phân tích đủ về ban lãnh đạo, tình hình tài sản, vốn, kinh doanh, dòng tiền, tôi sẽ làm thêm một bước nữa là định giá hợp lý giá trị của công ty, tuy nhiên ở trường hợp này tôi thấy việc đó là không cần thiết với một công ty đang có tình hình nợ và các khoản phải thu tương đối rủi ro, kinh doanh thiếu ổn định, còn nhiều bất ổn trong và sau đại dịch covid, dòng tiền liên tục thâm hụt và cần huy động vốn thường xuyên mới có thể tiếp tục hoạt động.
Tôi luôn sống và làm việc với quan điểm chúng ta không có quyền phán xét bất kỳ ai, dù là về mặt đạo đức, năng lực hay mặt gì đi chăng nữa. FLC dù sao cũng có thể khẳng định là một tập đoàn lớn, có nhiều cống hiến trong việc thay đổi tích cực bộ mặt ngành du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản cũng như hàng không tại Việt Nam. Tuy nhiên thì sự thật vẫn là sự thật, các con số đã được thông qua bằng chữ ký của những người có thẩm quyền và dấu đỏ của các cơ quan có “uy tín”, việc của Nhà Đầu Tư là HIỂU các con số đó đang nói lên điều gì về tình hình đạo đức của ban lãnh đạo cũng như năng lực kinh doanh của một công ty. Quý bạn đọc có thể phần nào làm được điều đó bằng cách công tâm trả lời các câu hỏi đã được in đậm và nghiêng trong bài viết này.
Một lần nữa, chúc Quý bạn đọc có một tuần làm việc thật thông thái!