Điều ước năm mới lớn nhất của mọi Nhà Đầu Tư

Nếu ai đó hỏi tôi ước gì trong năm mới, tôi sẽ trả lời ngay mà khỏi phải cần suy nghĩ rằng: “Tôi ước gì sẽ tìm kiếm được thật nhiều Margin of safety”.

Mến chào Quý Bạn đọc, một mùa xuân mới lại về báo hiệu một năm tươi sáng với vô vàn dự định mới đối với mỗi con người chúng ta lại tới. Bạn và tôi vừa trải qua một năm Tân Sửu mà nếu phải mô tả nó bằng chỉ một từ duy nhất thì tôi sẽ chọn từ KIÊN CƯỜNG, một dân tộc kiên cường đã nắm chặt tay nhau vượt qua đại dịch dù cho đã từng có những ngày tháng chúng ta ở tận cùng của sự tuyệt vọng, thất vọng, những con số của tử thần cứ tăng lên nhưng con người Việt Nam chúng ta thì không bao giờ biết tới hai chữ “bỏ cuộc”. Sở dĩ tôi dám nói rằng chúng ta đã vượt qua đại dịch không phải bởi nó đã không còn gây nguy hiểm cho loài người, chúng ta vượt qua nó bởi vì giờ đây chúng ta đã vượt qua được nỗi sợ hãi ban đầu đối với nó, chúng ta cũng đã vượt qua được thứ tư duy phải “zero covid” mà thay vào đó là “chung sống với covid”, thành công hơn nữa là chúng ta đã vượt qua được một thử thách y tế lớn chưa từng có đó là hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử trong thời gian cực nhanh với gần 80% dân số đã được tiêm đủ 02 mũi vaccine tới thời điểm hiện tại.

Tới đây tôi mới thấy hành trình đầu tư ôi sao mới giống quá trình ứng phó với Covid tới như vậy.

Chúng ta đã từng là một dân tộc nghèo khó, đi lên từ nông nghiệp, từng đồng từng hào làm ra đều phải gom góp tích trữ dự phòng ngày trái gió trở trời, nhà nào khấm khá thì mua miếng đất, mua thỏi vàng làm của để dành hoặc cho con cái lúc nó lập nghiệp, lập gia đình. Tư duy tiết kiệm, ưa thích gửi tiết kiệm ngân hàng, coi việc mua đất và mua vàng là an toàn nhất đã ăn rất sâu vào tư tưởng của đa phần người dân Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc, tới nỗi mà cách đây vài năm, tôi còn nhớ Chủ tịch Công ty Chứng Khoán lớn nhất Việt Nam lúc đó còn phải đăng đàn nói thẳng ra rằng muốn kinh tế Việt Nam cất cánh thì buộc lòng phải tìm cách huy động được tiền từ trong dân chúng vì người Việt Nam gửi tiết kiệm nhiều quá. Ấy thế mà chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của người Việt Nam đã đạt tới con số 1,09 triệu – lớn hơn cả con số 1,03 triệu là lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong bốn năm 2017 – 2020 cộng lại (VSD). Và tôi đoán khá chắc rằng Việt Nam sẽ chẳng mấy chốc mà cán mốc 5% dân số có tài khoản chứng khoán lúc tôi đang viết những dòng này. Chúng ta thực sự đang thay đổi rất mạnh tâm lý ưa thích tiết kiệm, không còn e sợ đầu tư nữa mà thay vào đó là ưa thích đầu tư (hoặc đầu cơ).

Tuy nhiên, chúng ta đa phần lại vẫn đang chưa thực sự học được cách “chung sống với lừa đảo trong đầu tư” mà ưa thích “zero lừa đảo” hơn. Bằng chứng là chỉ cần lướt qua lướt lại một hồi các hội nhóm “đầu tư chứng khoán” trên Facebook nhiều ngày qua là chúng ta đã thấy mọi người bàn luận rất sôi nổi về việc cần xử phạt mạnh tay hơn, thanh lọc khắt khe hơn những tình huống giao dịch “chui”, giao dịch “nội gián” như của một Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản gần đây. Chúng ta cho rằng việc làm đó là sai trái, là “úp bô” nhà đầu tư, là thiếu đạo đức và mức xử phạt là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Ấy thế nhưng tại sao trước khi tham gia vào lĩnh vực này, những bạn đó không đọc luật để hiểu mức phạt với những tình huống như vậy nó rẻ không khác gì “mớ rau” đối với những tay chơi ngàn tỷ và họ sẽ dễ dàng chấp nhận nó để kiếm về thêm hàng ngàn tỷ khác? Càng đáng suy nghĩ hơn khi mà tại sao trước khi “đầu tư” thì những bạn đó không chịu khó đọc lịch sử đầu tư chứng khoán tại Việt Nam và trên thế giới một chút để biết rằng những vụ việc lừa đảo, “úp bô” như thế chẳng thời kỳ nào là hiếm, chẳng nơi nào là hiếm nhỉ? Một Nhà Đầu Tư sẽ luôn là người hiểu rằng phải “Tiên trách kỷ, hậu trách kỷ thêm lần nữa”, thay vì than phiền sự đời nó éo le thì mình phải học cách chung sống hòa bình với sự éo le đó.

Cũng chính vì vậy mà một khái niệm đã ra đời để làm liều vaccine đặc trị cho những sự éo le khó lường đó. Đây là thứ sẽ được tìm thấy nếu như chúng ta làm xét nghiệm máu với những Nhà Đầu Tư chân chính nhất (cười), nó có tên là Margin Of Safety.

Margin of safety (MOS) dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Biên độ an toàn”. Nó là khái niệm được vị cha già đáng kính Benjamin Graham sáng tạo ra và phổ cập bằng cách “tiêm chủng” vào trí óc của hàng ngàn Nhà Đầu Tư trên khắp thế giới suốt gần trăm năm qua mà tới giờ nó vẫn chưa hề hết tác dụng phòng ngừa rủi ro, kiến tạo lợi nhuận cho những người đã được “tiêm” mà có lẽ người hưởng lợi lớn nhất từ công dụng của loại vaccine này không ai khác chính là ngài Warren Buffett.

Lúc sinh thời, ngài Graham đã từng nói rằng nếu để gói gọn triết lý đầu tư của ông trong chỉ một từ thì đó chỉ có thể là Margin of Safety.

Còn ngày hôm nay, tôi lại muốn nói với các bạn rằng: “Đầu tư chính là hành trình tìm kiếm và nắm bắt Margin of safety”.

Vậy Margin of Safety (MOS) là gì, và tại sao tôi lại dám mạnh miệng khẳng định rằng đầu tư chính là hành trình tìm kiếm và nắm bắt MOS thì bài viết hôm nay chính là để làm sáng tỏ điều đó.

Các bạn hãy tưởng tượng: bản thân mình chuẩn bị bước vào một cuộc phỏng vấn xin việc, phía công ty tuyển dụng hẹn bạn đúng 10h sáng có mặt tại văn phòng của họ. Bạn dự định phải tới sớm 15 phút để còn đề phòng các sự cố như không kiếm được chỗ gửi xe, không biết tìm thang máy ở đâu, nhỡ có “đau bụng” thì còn kịp giải quyết. Tôi tin rằng việc dậy sớm hơn 15 phút chẳng tốn nhiều công sức hơn là bao nhiêu nhưng giá trị nhận về thì chắc chắn là sẽ cao hơn so với người đến sát giờ phỏng vấn, và giá trị bạn nhận được trong 15 phút đến sớm đó chính là sự thư thái, sự ôn tập và rà soát lại quá trình chuẩn bị của mình – đó chính là MOS.

Một ví dụ khác nhé, cách đây không lâu, tôi có nhu cầu tìm mua một chiếc laptop mới để phục vụ cho nhu cầu làm việc của mình. Tôi thấy một chiếc Macbook Pro đời gần mới nhất đang được niêm yết giá từ 34 triệu đồng trở lên đi kèm với đổi trả trong 30 ngày nếu có lỗi và bảo hành chính hãng. Tuy nhiên tôi đã quyết định mua một chiếc Macbook Pro đời cũ cách đây 2 năm với cấu hình “khủng hơn”, màn hình lớn hơn, thời lượng pin lâu hơn đơn giản vì chiếc máy này chỉ có giá 23 triệu đồng và nhờ các biện pháp kiểm tra chuyên môn, tôi xác nhận được rằng chiếc máy này còn thực sự vô cùng mới như chỉ vừa sử dụng 2 tháng vậy, và người bán thì là một cá nhân rất có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các thông tin về máy và hỗ trợ kỹ thuật cho mình, ngay cả khi việc đó rất “kỳ cục và bất bình thường” nhưng lại có lợi cho tôi. Tôi cũng hoàn toàn biết rằng với nhu cầu công việc của mình thì một chiếc Macbook mới hiện nay có cùng các thông số như chiếc máy cũ kia chắc chắn có giá không dưới 40 triệu đồng. Vì vậy tôi đang bỏ 23 triệu ra để mua được một lượng giá trị tương đương 40 triệu, ngay lập tức tôi đã lời được 17 triệu sao?

Điểm chung đầu tiên cho hai trường hợp trên đó là ứng viên hoàn toàn có thể đến đúng giờ còn tôi thì hoàn toàn có thể bỏ 34 triệu ra mua một chiếc máy mới tinh. Chúng tôi đã không làm vậy mà lựa chọn một giải pháp an toàn hơn rất nhiều là đến sớm và mua máy cũ nhưng chất lượng không khác gì máy mới, bởi vì chúng tôi hiểu tương lai luôn là bất định, không thể đoán trước nên 15 phút dôi dư và 11 triệu tiết kiệm được chắc chắn sẽ là khoản “bảo hiểm” cho chính chúng tôi trong tương lai gần và xa.

Điểm chung còn lại cho hai trường hợp trên chính là có một sự sai khác đáng kể giữa những cái giá bạn bỏ ra và giá trị bạn thu về. Trong tình huống thứ nhất, đó chính là giá trị tinh thần vô hình mà sẽ giúp bạn nắm được xác suất trúng tuyển cao hơn, trong tình huống thứ hai, nó lại là giá trị kinh tế tương đối hữu hình mà bạn có thể tính toán được khá cụ thể. Và GIÁ TRỊ BẠN NHẬN VỀ TRỪ ĐI CÁI GIÁ BẠN ĐÃ TRẢ CHÍNH LÀ MARGIN OF SAFETY. Đó chính là “lợi nhuận” cho bạn ngay từ khi bạn bỏ vốn ra mua bất cứ thứ gì.

Rồi, bạn có thấy MOS nó là một mũi tên trúng tận 2 cái đích chứ: sự an toàn được đảm bảo và lợi nhuận được đáp ứng. Và nói thật với các bạn một lần nữa là rằng: tôi thà có những khoản lợi nhuận khiêm tốn, thoả đáng nhưng luôn giữ cho mình được an toàn, còn hơn là kiếm được những khoản lợi nhuận kếch xù nhưng luôn sống trong lo sợ, ăn không ngon ngủ không yên vì biết mình đang ở trong một tình thế vô cùng rủi ro.

Dạo gần đây tôi thấy báo chí hay đưa một thể loại tin tức là ở Trung Quốc diễn ra tình trạng huỷ hôn khá nhiều chỉ đơn giản bởi vì một lý do rằng nhà gái thách cưới cao quá, nhà trai không trả nổi. Câu chuyện gần nhất thậm chí còn bi hài hơn khi mà do nhà gái thách cưới cao quá nên nhà trai đành…bỏ cuộc, cưới cô gái khác. Nhưng khi đám cưới đang diễn ra thì “cô dâu hụt” lại tới khóc lóc van xin và đưa ra câu chuyện như sau:


Đứng dưới góc độ của một Nhà Đầu Tư, tôi cho rằng ngoài việc số tiền trên với nhà trai là quá lớn ra thì bỏ vốn “đầu tư” cho một cuộc hôn nhân số tiền tương đương 2,3 tỷ đồng ngay từ khi chưa cưới nhau thì có lẽ sẽ khá là khó để…hoàn vốn chứ chưa nói tới là có lợi nhuận khi mà đối tượng kết hôn với mình lại là một cá nhân quá đề cao vật chất như vậy. Nhà Đầu Tư mà rơi vào tình huống của chàng trai thì chắc chắn sẽ nhìn ra ngay là giá trị mình nhận được trong cuộc hôn nhân giả định với cô gái kia còn khuya mới đạt tới mức 2,3 tỷ đồng khi mà chắc gì cô ấy đã yêu thương chăm sóc cho tổ ấm của mình. Vì vậy nên mức giá 2,3 tỷ đồng là mức giá không hề có MOS. Nếu giả sử cuộc hôn nhân với cô gái này không hạnh phúc và hai người phải chia tay, anh ta sẽ thực sự “không còn cái nịt” để bước tiếp.

Quay trở lại với lĩnh vực đầu tư chứng khoán của chúng ta, đã bao giờ các bạn đặt câu hỏi là tại sao người ta hay nói chỉ số P/E (Price/Earnings per share) dưới 10, dưới 15 là rẻ chưa?

Thực ra chỉ số này mỗi giai đoạn sẽ có một mức trị số khác nhau để làm mốc phân chia thế nào là rẻ và thế nào là đắt đối với giá của một loại cổ phiếu nhất định. Giả sử như lãi suất tiền gửi ngân hàng trung bình tại Việt Nam là 6,5%/năm, tức là nếu bạn gửi ngân hàng 100 triệu thì một năm sau bạn sẽ được nhận về khoản lãi là 6,5 triệu. Thế thì điều này đâu có khác gì việc bạn mua một cổ phiếu với giá là 100.000đ và cứ mỗi năm nó sẽ trả về cổ tức cho bạn là 6.500đ/cp nhỉ.

Tới lúc này giả sử bạn đang phân tích công ty X, trong vòng 10 năm qua, công ty X có thói quen chi trả 40% thu nhập để trả cổ tức cho cổ đông (tức là nếu earnings per share = 10đ thì sẽ trả cổ tức 4đ/cp). Năm vừa rồi công ty có earnings per share là 4.000đ/cp. Vậy thì theo như thói quen thông thường, công ty sẽ trả cổ tức ở mức 1.600đ/cp. Tức là nếu như giá cổ phiếu này thấp hơn mức 1.600 : 0,065 = 24.615đ/cp thì nó sẽ cho ra mức thu nhập hàng năm cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, ngược lại nếu giá cổ phiếu này cao hơn 24.615đ/cp thì nó sẽ cho ra mức thu nhập hàng năm thua kém so với khi bạn đem tiền đi gửi ngân hàng.

Vậy có nghĩa rằng nếu như giá cổ phiếu thấp hơn 24.615đ hay tương đương mức P/E nhỏ hơn 24.615/4.000 = 6,15 thì được gọi là rẻ. Nếu mức giá cổ phiếu lớn hơn 24.615đ, tương đương P/E lớn hơn 6,15 thì cổ phiếu này sẽ được coi là đắt.

Lúc này nếu như bạn thấy giá cổ phiếu trên đang ở mức 17.250đ/cp, tức tương đương mức chiết khấu 30% từ mốc 24.615đ thì có thể nói rằng MOS cho tình huống này là 30% và chúng ta nên mua vào vì nếu không có điều gì bất trắc xảy ra, không sớm thì muộn mọi người cũng sẽ muốn mua lại cổ phiếu công ty X từ bạn với mức giá lên tới tận 24.615đ/cp, bởi họ nhận ra là làm như vậy họ sẽ có lợi hơn là đem tiền đi gửi ngân hàng. Điều này chính là căn cứ logic cho mức lợi nhuận tối thiểu 30% dành cho bạn.

Trên đây chính là một cách suy luận hoàn toàn logic và có căn cứ đầy đủ hết sức đơn giản cho việc định giá hợp lý cổ phiếu, tìm giá trị nội tại của một công ty và tìm kiếm biên độ an toàn trong đầu tư cổ phiếu. Nhưng trên hết, nó cho chúng ta hiểu ra rằng MOS chính là hiện thân cho sự an toàn và lợi nhuận trong đầu tư. Đây chính là một ví dụ cho luận điểm tôi từng đưa ra trước đây, đó là: Bởi vì mọi thứ rồi cũng sẽ quay về đúng bản chất của nó nên sẽ thật tuyệt vời nếu có thể mua một tài sản có giá bán nằm dưới giá trị của nó.

MOS là kho báu mà bất kỳ một Nhà Đầu Tư nào cũng tìm kiếm, hiểu biết sâu sắc về nó sẽ là một dấu hiệu phân biệt một nhà đầu cơ và một Nhà Đầu Tư. Nhà Đầu Tư quyết định mua tài sản là vì anh ta thấy ở đó có rất nhiều MOS và từ chối đầu tư nếu như anh ta nhận thấy MOS không hề tồn tại. Còn nhà đầu cơ, họ chẳng hề mảy may quan tâm tới MOS trước khi xuống tiền, hoặc là họ hiểu chưa tới và thực hành chưa tới, tất cả những cách làm như vậy đã báo hiệu trước cho họ một tương lai tài chính cực kỳ rủi ro ngay từ khi bắt đầu chứ không hề có chuyện thị trường nó rủi ro. Nói tới đây tôi mới thấy loài người kỳ lạ thật, họ nói rằng rượu bia là có hại nhưng họ quên mất rằng nếu chỉ sử dụng liều lượng vừa phải, nó vốn có ích với sức khoẻ con người: giúp tăng cường lưu thông khí huyết và giúp ngủ ngon, chỉ có cách sử dụng vô tội vạ và lái xe sau khi uống rượu bia mới là đáng lên án mà thôi.

Tôi đã lên lịch cho bài viết này vào đúng thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm Tân Sửu 2021 và Nhâm Dần 2022, một bài viết tuy khá ngắn gọn nhưng sẽ là một trong những bài viết quan trọng bậc nhất do tôi từng viết ra. Và việc làm này chỉ có một mục đích duy nhất, đó là:

Kính chúc toàn thể Quý bạn đọc một năm thật hạnh phúc và thành công!

 
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *