Trong thời gian cuối năm 2021, đầu năm 2022 vừa qua, có lẽ do được lấy cảm hứng từ không khí Lễ Giáng Sinh mà trên thị trường đã có khá nhiều cổ phiếu giảm điểm theo một hình dáng chung mà mọi người hay gọi quen miệng là “Cây thông Noel” – ý chỉ cổ phiếu tăng sốc dựng đứng và rồi ngay từ đỉnh thì lại giảm sốc không kém, tạo thành những cây thông trên đồ thị giá. Xa hơn, trong vòng nhiều năm qua, đã có không hề ít những “Cây thông Noel” như vậy được tạo ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hậu quả là nhiều “nhà đầu tư” dễ dàng bị mất trắng gần như 99% tài sản và nghiêm trọng hơn thì người dân nhìn thị trường chứng khoán với một con mắt và nhận định như thế này:
“Thị trường chứng khoán là lừa đảo cả thôi, dây vào coi chừng mất hết đấy”
Vâng, đó cũng chính là những gì mẹ tôi đã nói khi biết tôi đang tham gia vào cái nơi “chết chóc” như vậy, dựa trên sự mô tả lại trải nghiệm thua lỗ từ những người bạn của bà. Nhưng cũng chính vì thế, tôi mới muốn làm một bài viết chuyên sâu để làm rõ 03 vấn đề sau:
- Liệu nhận định rằng thị trường chứng khoán là một nơi lừa đảo và tham gia vào đó rất dễ bị mất hết tiền của đúng hay sai?
- Lý do tại sao mà có những người tham gia vào đó lại bị lừa đảo và mất hết tiền của?
- Những chiếc bẫy chết người trên thị trường chứng khoán là gì và cách phòng tránh nó ra sao?
Nào, vào việc thôi:
1. Liệu nhận định rằng thị trường chứng khoán là một nơi lừa đảo và tham gia vào đó rất dễ bị mất hết tiền của đúng hay sai?
Quý độc giả xin lưu ý rằng đây là 4 công ty đang được niêm yết cổ phiếu trên HOSE – sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất và uy tín nhất Việt Nam với mức độ khắt khe trong việc kiểm duyệt hồ sơ xin phép niêm yết cũng là khó nhất tại Việt Nam. Ấy thế mà những đồ thị giá trên đã phản ánh những giai đoạn đi xuống trầm trọng của thị giá giao dịch cổ phiếu, với rất nhiều phiên giao dịch gần như mất thanh khoản, giá chỉ biết cắm đầu đi xuống không ngừng, tài sản của “nhà đầu tư” vì thế mà cũng liên tục bốc hơi vì không thể bán ra khi cổ phiếu bị mất thanh khoản (không có người mua hoặc quá thiếu người mua).
Liệu có bao nhiêu người cháy tài khoản hoặc thua lỗ tới 99,9% thì tôi không dám khẳng định vì khó có cơ sở dữ liệu nào đủ tin cậy để thống kê việc này, tuy nhiên thì đã có trường hợp của một ca sỹ nổi tiếng miền Tây từng đem mười mấy tỷ đi “chơi chứng khoán” và bây giờ chỉ còn lại vài trăm triệu là có thật và đã được anh ấy kể lại một cách công khai. Cộng với những bài học đông tây kim cổ thì tôi thực sự tin rằng việc bị mất gần như hết sạch vốn liếng vì “dây mơ rễ má” với mấy tờ cổ phiếu, mấy mã chứng khoán là có thật!
Tuy nhiên chỉ vì những lý do đó mà quy chụp ngay lập tức rằng thị trường chứng khoán là nơi ngập tràn sự lừa đảo và tuyệt đối nên tránh xa nó thì lại là một sai lầm hết sức to lớn. Lý do thì bởi vì tôi đã giải thích về bản chất vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán trong một bài viết trước, nó tuyệt đối không phải là thứ có bản chất là sự lừa đảo mà ngược lại nó còn gánh vác trọng trách vô cùng tốt đẹp đó là huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó kiến tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội và con người nên nếu chúng ta biết tận dụng công dụng cốt lõi đó của thị trường chứng khoán một cách khôn khéo thì việc làm giàu là hoàn toàn khả thi.
Tôi cũng đã từng nêu ra một thực trạng hiện tại ở Hoa Kỳ đó là khoảng 70% tài sản của xã hội đang nằm trực tiếp và gián tiếp tại thị trường chứng khoán, qua đó việc huy động vốn cho nền kinh tế được thực hiện một cách rốt ráo và quyết liệt tới mức tối đa có thể và sự thật này chắc chắn cũng góp phần không hề nhỏ vào việc Hoa Kỳ sở hữu nền kinh tế lớn nhất thế giới hàng chục năm qua.
Còn bằng chứng cụ thể, xác đáng về việc đã có những người làm giàu thành công từ thị trường chứng khoán như thế nào thì tôi sẽ xin dành riêng một bài viết trong thời gian tới đây để trình bày tới Quý bạn đọc.
Chốt lại, thị trường chứng khoán quả thực là ở đâu cũng vậy, Hoa Kỳ hay là Việt Nam thì cũng luôn có rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào đó đã bị lừa đảo và mất hết tiền, nhưng tuyệt nhiên nó không phải một nơi chỉ tồn tại sự lừa đảo, mà vẫn luôn tồn tại cơ hội làm giàu cho một số ít người phù hợp.
2. Lý do tại sao mà có những người tham gia vào đó lại bị lừa đảo và mất hết tiền của?
Quay trở lại với 4 đồ thị tôi đã nêu ra ở trên, mặc dù chúng ta đều tập trung và cảm thấy đáng sợ với kiểu “đổ” giá không khác gì rơi tự do ở nửa bên phải của “cây thông noel” nhưng thực ra chúng ta nên tập trung hơn vào nửa bên trái của nó – nơi mà thị giá cổ phiếu “leo núi” miệt mài gần như không biết mệt mỏi và ngơi nghỉ, bởi vì đây chính là giai đoạn mà “cái chết đã được báo trước”!
Đây là giai đoạn mà tâm lý của thị trường, của các nhà đầu cơ đang cực kỳ hưng phấn, mọi người chỉ biết duy nhất một điều đó là “mua vào và đổi đời”, mà cũng đúng thật, cứ mua cổ phiếu hôm nay là ngày mai thấy tài khoản xanh mướt vài phần trăm, qua một tuần thấy lãi cả mấy chục phần trăm thì ai mà chả ham, chẳng mấy ai rơi vào trò chơi đó mà có thể tỉnh cơn mê sớm và rút chân cho kịp trước khi thị giá leo tới đỉnh đâu mà.
Và đây chính là lúc cần tỉnh táo phân tích: sự thật là “thị giá cổ phiếu” nhân với “số lượng cổ phiếu niêm yết” chính bằng vốn hóa của doanh nghiệp – tức là mức giá mà tại thời điểm đó cần bỏ ra để sở hữu toàn bộ doanh nghiệp này (trong trường hợp doanh nghiệp không còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn nào khác). Do số lượng cổ phiếu niêm yết của 1 công ty là không đổi nếu không có hoạt động tăng vốn, vậy thì liệu rằng chỉ sau một đêm, mức giá để mua 1 doanh nghiệp đã tăng thêm 7%, sau 1 tuần thì mức giá để mua doanh nghiệp đó đã tăng tới 40,25% và sau 1 tháng thì doanh nghiệp này đã có mức giá phải trả để mua tăng tới 286,97% (3,87 lần) có phải là một điều gì đó hợp lý không?
Dĩ nhiên là nó có thể hợp lý, nhưng chỉ với điều kiện là có một sự may mắn khổng lồ dành cho các cổ đông của công ty đó cộng với có bằng chứng xác thực về việc doanh nghiệp này vừa mới ký được một hợp đồng béo bở sẽ làm lợi cho công ty gấp nhiều lần mức lợi nhuận của nhiều năm qua, hay là công ty suốt nhiều năm qua đã bị thị trường định giá ở một mức giá quá bèo bọt so với những gì nó đã làm được trong quá khứ.
Ấy vậy mà, nhà đầu cơ chỉ cần nghe phong phanh về một đại dự án mới với rất nhiều mỹ từ mà báo chí mô tả, về triển vọng và dự phóng lợi nhuận của công ty trong tương lai gần và xa là đã có thể tuyệt đối tin tưởng và xuống tiền “đầu tư” mua cổ phiếu rồi. Họ không hề hay biết một thực tế rằng là có “ai đó” sẵn sàng chi từ vài triệu tới vài chục triệu đồng là có thể thuê được một chuyên gia nào đó lên báo và đưa ra những nhận định như vậy và khi ấy thì “ai đó” sẽ xả ra bao nhiêu cổ phiếu cũng có cho những nhà đầu tư đang khát tiền và thiếu kiến thức ngoài kia. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra nếu như “ai đó” đã bán hết lượng cổ phiếu mình đang nắm và chính thức trở nên giàu kếch xù hoặc họ muốn xả số cổ phiếu còn lại một cách quyết liệt với giá nào cũng được? Lúc này chẳng còn tin tức gì tốt nữa, cũng chẳng ai còn tiền và còn ham muốn mua thêm, những nhà đầu tư ngây thơ đã mua thì muốn chốt lãi nhưng đặt bán chẳng có ai mua nên buộc phải bán với giá sàn, sàn và sàn, sàn liên tục vài chục phiên, và thế là hết, phá sản!
Trên đây chính là một dạng thức đơn giản nhất của việc phá sản vì chứng khoán sẽ diễn ra như thế nào, còn rất nhiều dạng thức khác tương tự diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, tiền ảo, hoa tuylip cũng như lan đột biến cũng đã làm rất nhiều người phá sản, rất nhiều gia đình ly tán, bi thương ai oán làm sao!
Tới đây tôi mới thấy thật hài hước khi mà nhiều người nói rằng: “Bản chất của đầu tư chính là tâm lý và thông tin, ai nắm được đúng tâm lý và thông tin là người đó thắng”. Vâng, họ nói cũng đúng nhưng tôi cho rằng họ thực sự đang đùa với lửa bởi vì tâm lý con người là thứ biến đổi khôn lường và đừng mơ có thể nắm bắt được nó chuẩn xác 10/10 lần, thông tin cũng vậy, nó hết sức dễ bị làm giả và liệu họ có dám khẳng định họ sẽ không bao giờ bị tin giả đánh lừa? Và nên nhớ, chỉ cần 1 lần sai theo kiểu đoán bắt tâm lý và thông tin thôi là cũng đủ để thành quả 9 lần đúng bay hết. Ví dụ cho việc này ư? Hãy thử tìm kiếm những cái tên như Jesse Livermore hay là Bernard Madoff nhé bạn tôi, Google luôn là miễn phí mà.
Bây giờ chúng ta hãy giả sử mình là một nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của 1 trong 4 công ty có đồ thị giá như trên, câu hỏi bây giờ là: tại sao chúng ta mua vào? Tôi tin rằng lúc này chúng ta chỉ có thể nói rằng bởi vì công ty này tiềm năng lắm, lãi lớn lắm, nhiều dự án tiềm năng sinh lợi khủng trong tương lai lắm. Bất chấp những lời giải thích đầy tự tin như vậy, chúng ta vẫn thua lỗ, thậm chí thua rất đau và các bạn có thấy rằng trong lập luận trên của mình không hề có bất cứ dẫn chứng nào xác thực và là nguyên nhân chắc chắn cho việc cổ phiếu sẽ tăng giá không?
Tôi nói thế bởi vì chúng ta chẳng hề nêu ra được con số nào, dẫn chứng nào đã được kiểm tra và đóng dấu là có thật, thậm chí chúng ta còn chưa bao giờ hiểu được là đội ngũ lãnh đạo này có đủ đạo đức và trung thực với cổ đông và truyền thông hay không, liệu các báo cáo và thông tin họ đưa ra truyền thông có phải là sự thật hay chỉ là phỏng đoán và là một chiếc bánh vẽ khổng lồ?
Đừng buồn, tôi cũng đã từng như vậy. Chẳng hề có con số nào được tôi nêu ra, chẳng có báo cáo nào được chứng nhận là sự thật được tôi đọc, tôi hoàn toàn chẳng hề đặt bút viết ra những lý luận của mình, quyết định đầu tư của tôi chỉ đơn giản là nghĩ trong đầu: “nó tiềm năng lắm” và thế là xuống tiền. Quả là ngu dốt! Nhưng đó cũng chính là lúc tôi nhận ra lý do bản chất cho việc đầu tư thất bại của mình nằm ở tư duy của mình nó sai lệch chứ không phải tại thị trường lắm kẻ lừa đảo, tôi đã không hề hiểu về nguyên tắc đầu tư thắng lợi duy nhất dù cho ở bất cứ đâu đó là: nắm giữ một tài sản có giá trị lớn hơn rất nhiều thị giá lúc mình mua vào.
Tới thời điểm này thì tôi rất hy vọng là các bạn đã đồng ý với tôi về việc có vô vàn chiếc bẫy đã, đang và sẽ tiếp tục được giăng ra để chiếm đoạt tiền của là mô hôi công sức lao động của vô số nhà đầu tư trên hành trình mưu cầu sự giàu có. Vì vậy, một lẽ dĩ nhiên là chúng ta ngoài năng lực nhận biết những cơ hội đầu tư đúng đắn thì cũng cần có năng lực nhận biết những chiếc bẫy đó để mà tránh cho xa, đó chính là một cách phòng thủ hay còn gọi là quản trị rủi ro vô cùng hữu hiệu. Và tuy những chiếc bẫy đó có muôn hình vạn trạng như thế nào thì tựu chung lại, nó cũng chỉ được phân loại vào 1 trong 3 kiểu bẫy như sau:
– Chiếc bẫy thứ nhất: Bẫy tâm lý
Đây có thể nói là chiếc bẫy đầu tiên và phổ biến nhất, nó phổ biến tới nỗi các cụ nhà ta còn phải đúc rút ra một cụm từ ngắn ngủi chỉ gồm 3 chữ cái nhưng diễn tả đầy đủ sự nguy hiểm của chiếc bẫy này: “Tham thì thâm”.
Vâng, tham lam chính là thứ tâm lý bị lợi dụng nhiều nhất trong những lĩnh vực liên quan tới tiền bạc. Vì ai mà chả ham tiền, ai chả ham giàu, cho họ thấy cơ hội kiếm tiền và làm giàu vừa nhanh vừa dễ thì họ sáng mắt lên ngay lập tức là quá bình thường, họ thờ ơ thì đó mới là lạ. Mà nếu thấy họ thờ ơ thì những kẻ lừa đảo lại bắt đầu quay ra chọc ngoáy, đá xoáy, khích bác rằng họ đang “bỏ lỡ những món quà của thượng đế”, chúng bỏ công tốn sức làm đủ thứ chiêu trò để nhằm lôi kéo con người vào cái thứ trò chơi béo bở của chúng với vô vàn lời hứa về việc đi theo chúng thì chỉ có ấm no đời đời chứ làm gì có thua lỗ bao giờ. Thế nhưng kết cục là khi mọi người mất tiền thì những kẻ đó lại ôm tiền cao chạy xa bay hoặc im lặng tới đáng sợ.
Ví dụ cho chuyện này ư, đâu có xa. Có một vị chủ tịch uy tín lắm, sở hữu công ty bất động sản nổi danh khắp miền bắc với rất nhiều khu chung cư, resort, sân golf cao cấp đã liên tục, liên tục và liên tục nói với cổ đông và giới truyền thông rằng cổ phiếu của công ty anh ấy là quá quá rẻ rồi, không thể không tăng được. Ấy vậy mà khi cổ phiếu tăng lên như lời anh nói, anh lại bí mật xả ra hàng trăm triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư với ý đồ ôm tiền bỏ cuộc chơi, anh bí mật tới mức còn định lách cả luật để làm chuyện này, kết cục là giao dịch bán ra của anh đã bị hủy, cổ phiếu của anh đã nằm sàn được 3 phiên liên tiếp và giảm tổng cộng gần 24% chỉ sau 5 phiên giao dịch gần nhất rồi. Nhà đầu tư thiệt hại theo anh thì theo thống kê của VSD (Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam) là 19.628 tài khoản.
Một ví dụ rất vui nhưng cũng cực kỳ đúng đắn và nóng bỏng mới chỉ vài ngày qua đã lột trần bản chất tham lam vô độ của rất nhiều nhà đầu tư khi mà cứ thấy cố phiểu lên, chủ tịch nói hay, vẽ dự án khỏe là đâm đầu vào theo. Nó cho chúng ta bài học rằng, trước khi học cách làm giàu, chúng ta cần học cách làm chủ tâm lý của mình trước vô vàn các cám dỗ ngoài kia đã.
– Chiếc bẫy thứ hai: Bẫy thông tin
Có lẽ chẳng có ai là không biết câu chuyện một tập đoàn bất động sản lớn, chuyên làm chủ đầu tư các công trình chung cư siêu cao cấp tại Việt Nam vừa bỏ cọc tới 600 tỷ đồng cho một miếng đất khoảng 10.000m2 mà họ mới trả giá tới 2,4 tỷ đồng/m2 trong một cuộc đấu giá cách đây hơn 1 tháng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như việc trả giá đột biến 2,4 tỷ đồng/m2 – tức cao gấp 8,3 lần mức giá khởi điểm bình thường không làm hình thành một cách định giá đất đai mới tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh và không ngay lập tức kích hoạt một đợt tăng giá dựng đứng từ 2 cho tới 3 lần mức giá trước khi có cuộc đấu giá “thần kỳ” kia tại các cổ phiếu của các công ty kinh doanh bất động sản tại Sài Gòn như thời gian vừa qua.
Nhưng ngay sau khi tập đoàn nọ chính thức thông báo bỏ cọc, hủy kết quả đấu giá, thì vô số nhà đầu tư đã nhận ra mình vừa mới rơi vào một cái bẫy thông tin giả: chẳng có mức giá mới nào được lập ra ở đây cả, miếng đất đó cũng chẳng tăng giá trị gấp 8,3 lần chỉ sau 1 buổi sáng. Kết quả là những cổ phiếu vừa tăng giá gấp đôi, gấp ba kia đã nằm sàn cũng 4, 5 phiên giao dịch rồi. Quả là đau xót cho vô số tiền của đã không cánh mà bay.
– Chiếc bẫy thứ ba: Bẫy kiến thức
Nếu như hai chiếc bẫy trên là do người khác giăng ra và một Nhà Đầu Tư thông thái sẽ rất khó mắc phải do tiêu chuẩn đầu tư của họ chưa bao giờ phù hợp để “tiêu hóa” được những cơ hội đầu tư hiểm họa đó, thì chiếc bẫy cuối cùng này lại chính là nỗi đau đầu của không chỉ các nhà đầu cơ mà ngay cả những Nhà Đầu Tư kỳ cựu nhất cũng chẳng thể dám chắc là mình sẽ không bao giờ mắc. Đơn giản vì chiếc bẫy này quá khó để nhận biết.
Có một sự thật rằng hiểu biết của con người luôn là giới hạn dù cho họ có là thiên tài đi chăng nữa, chẳng ai có thể hiểu biết hết về những ngành kinh doanh đang hoạt động ngoài kia, cũng chẳng ai là có thể hiểu được sâu sắc mức độ trung thực và tử tế của hàng triệu ban lãnh đạo ngoài kia, càng chẳng có ai là có thể hiểu biết hết và toàn diện được những thứ đang diễn ra ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thế giới vào ngày mai. Cứ nhìn lại vào những ngày đầu năm 2020 thì chúng ta sẽ thấy liệu có ai hiểu ra rằng một vài bệnh nhân bị viêm phổi tại Thành phố Vũ Hán sẽ làm cho giá cổ phiếu trên toàn cầu tăng vọt suốt 2 năm qua và biến các start up như Zoom trở nên ăn nên làm ra đột biến, còn những start up như AirBnB thì thua lỗ thảm hại không? Ấy vậy mà những điều đó lại liên quan tới nhau mới thật tài tình.
Chính vì điều này mà một Nhà Đầu Tư chân chính sẽ luôn hiểu biết sâu sắc và thực hành liên tục 03 giải pháp như sau:
Thứ nhất là học tập không ngừng, bất kể bạn đã giàu tới như thế nào. Bởi vì tài sản của Nhà Đầu Tư tới từ trí tuệ của họ, trí tuệ của họ đứng im hoặc thụt lùi thì họ sẽ mất đi “khả năng miễn dịch” trước những rủi ro đang rình rập ngoài kia. Hãy quên cái quy tắc 10.000 giờ nghiên cứu là đủ để biến một người thành chuyên gia trong một lĩnh vực đi, bởi vì trong cái thế giới luôn biến động này thì 10.000 giờ là quá ít để có thể thành công. Bạn sẽ cần 20.000; 30.000 thậm chí 40.000 giờ nghiên cứu nghiêm túc thì mới có thể tự tin rằng mình là một Nhà Đầu Tư lão luyện chứ không hề có cái chuyện rằng cứ biết ngồi xem giá trên bảng điện tử là có thể làm nhà đầu tư ngon ơ đâu nhé.
Thứ hai là luôn yêu cầu một biên độ an toàn (margin of safety) đáng kể để làm “bảo hiểm” cho những thứ nằm ngoài tầm hiểu biết và kiểm soát của mình mà có thể gây chệch hướng cho tương lai tài chính của bản thân. Điều này sẽ được giải thích cụ thể trong một bài viết chuyên biệt về khái niệm Margin of Safety.
Và thứ ba là luôn duy trì một danh mục đầu tư phi tập trung ở mức độ hợp lý. Nó có nghĩa là một Nhà Đầu Tư sẽ luôn hiểu rằng dù cho thông tin mình có là chính xác tới đâu và lập luận của mình là hợp logic như thế nào thì mình vẫn có thể sai nếu như bỏ hết trứng vào một chiếc rổ, và dĩ nhiên là khi mình sai thì mình sẽ thua lỗ là phần đa. Thế nên một danh mục đầu tư với nhiều công ty ở nhiều ngành khác nhau, với các đặc điểm về tài chính, kinh doanh khác nhau nhưng vẫn có chung yêu cầu về một mức biên độ an toàn được thỏa mãn sẽ làm giảm đi rất nhiều xác suất của việc thua lỗ do những phân tích sai sót.
Các bạn thấy đó, để rèn luyện một tâm lý vững vàng trước các cám dỗ về lợi ích, để rèn luyện một bộ não logic có thể đánh giá đúng về tính chính xác của các nguồn thông tin và để rèn luyện được một bộ kỹ năng cần thiết trong việc phân tích một cơ hội đầu tư chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Nhưng nó là có thể, nó chỉ là cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực mà nếu như bạn không sẵn sàng dành thời gian nghiêm túc cho nó thì tốt nhất là hãy tìm một chuyên gia để gửi gắm vốn liếng quý giá của mình – đó nhất thiết phải là một người hiểu được sự vất vả, khó nhọc in hằn lên từng đồng xu của bạn, sẵn sàng chịu trách nhiệm với nó như là tiền của mình, không ngừng nghỉ học tập và nghiên cứu để đưa nguồn vốn của bạn tránh xa các cạm bẫy chết người và tiếp cận được với những cơ hội đầu tư sẽ đem về những khoản lợi nhuận thỏa đáng sau một khoảng thời gian hợp lý.