Một tuần của Nhà Đầu Tư

Chúng ta vừa mới trải qua những ngày phải nói rằng “thật điên rồ” khi mà chỉ số VN-Index sụt thê thảm 38,73 điểm vào ngày thứ sáu (03/12) rồi tiếp tục giảm thêm một cú tai hoạ với 29,74 điểm đã mất đi vào ngày thứ hai (06/12). Nhưng cảm giác “tàu lượn” thì vẫn chưa kết thúc khi ngay sau đó – ngày thứ ba (07/12) thì chỉ số này đã kịp lấy lại phong độ với mức tăng 33,19 điểm đầy ấn tượng. Báo chí và truyền thông thì đã có những ngày làm việc vô cùng năng suất để miêu tả sự hỗn loạn với đầy đủ cảm xúc từ hoảng loạn cho tới hưng phấn của hàng triệu nhà đầu cơ trên thị trường trong vòng 7 ngày qua, đấy là còn chưa kể tới sự sụt giảm đột ngột 25,43% tương đương với khoảng 17.026USD đã bay biến mất khỏi thị giá giao dịch của Bitcoin – đồng tiền mã hoá có vốn hoá lớn nhất thế giới hiện tại.

Vậy có bao giờ các bạn tò mò rằng trong cùng khoảng thời gian mà những nhà đầu cơ đang đi hết từ đỉnh cao này tới vực thẳm nọ thì những Nhà Đầu Tư sẽ làm gì không?

Đơn giản lắm: Chúng tôi chẳng làm gì cả!

Đừng hiểu lầm ý tôi nha, “chẳng làm gì cả” ở đây có nghĩa là chúng tôi chẳng hề bận tâm xem hôm nay thị trường giảm hay tăng bao nhiêu điểm cả. Thứ duy nhất chúng tôi quan tâm trong một ngày bình thường chỉ nằm ở một điều duy nhất, đó là: hôm nay mình có thông minh hơn ngày hôm qua không?

Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện giữa tôi và cậu bạn thân đã xảy ra vào ngay ngày hôm qua, cậu ấy đột nhiên nhắn với tôi rằng có nên lao vào bắt đáy một vài cổ phiếu lúc này không, khi mà thị trường đang giảm “khá sâu”, điển hình thì cậu ấy lấy ví dụ là có nên mua vào cổ phiếu VNM – Công ty cổ phần Sữa Việt Nam lúc này không vì giá của nó bây giờ đang chỉ loanh quanh mốc 86.000đ/cổ phiếu trong khi quá khứ nó đã từng phi tới tận 130.000đ/cổ phiếu rồi, vẫn là một công ty rất mạnh, rất rất mạnh và chiếm thị phần độc tôn trong ngành hàng sữa tại Việt Nam.

Ở đây tôi nhận ra có 03 vấn đề mà một nhà đầu cơ (trong đó có tôi ở thời kỳ đầu) hay mắc phải trong tư duy “đầu tư” của mình:

  • Cảm thấy rất khó khăn để chờ đợi các cơ hội thực sự tốt.
  • Khó kìm chế ham muốn “bắt đáy” khi thấy thị trường giảm điểm.
  • Mông lung về việc “Thế nào là rẻ?”

03 vấn đề này là 03 vấn đề cốt tử mà bất kỳ ai muốn trở thành một Nhà Đầu Tư đúng nghĩa, có thể kiếm tiền và trở nên tự do hơn, hạnh phúc hơn nhờ đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng phải hết sức để ý. Tại sao nó lại nguy hiểm và cách khắc phục nó như nào thì ngay dưới đây tôi xin được trình bày cụ thể:

1. Cảm thấy rất khó khăn khi phải chờ đợi các cơ hội.

Sir Alex Ferguson được tôn vinh là Vị Huấn luyện viên Bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng ít ai còn nhớ rằng ngày mới dẫn dắt Manchester United, ông đã phải vật vã chờ đợi 4 năm trời mới giành được chức vô địch đầu tiên. Phần còn lại, như người ta hay nói: là lịch sử! Ông đã phải chờ đợi tới 4 năm ròng rã một cơ hội dành cho riêng mình và trong 4 năm đó, không có ngày nào là ông không thúc đẩy bản thân và Manchester United trở thành phiên bản hoàn hảo hơn ngày hôm qua.

Hay như một ví dụ rất thú vị mà tôi mới có dịp đọc được gần đây, đó là ngài Li Lu – một Nhà Đầu Tư và tỷ phú người gốc Trung Quốc đã cực kỳ thành công với quỹ đầu tư Himalaya capital do chính mình sáng lập, đã từng được ngài Charlie Munger rót vốn tới 800 triệu USD và hiện đã biến con số này lên tới khoảng 18,5 tỷ USD. Nhưng ngay cả khi đó thì ngài Li Lu vẫn phải công nhận rằng sẽ có những khoảng thời gian có thể là nhiều năm ngài ấy phải ngồi “chơi” dài do không thể tìm thấy những cơ hội đầu tư thực sự tốt cho mình.

Nếu các bạn vẫn còn chưa tin vào cái việc rằng những cơ hội lớn thường chỉ đến vài ba lần trong suốt cuộc đời của chúng ta và chúng ta cần phải cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực cực kỳ kiên nhẫn chờ đợi nó thì hãy nhìn thẳng ngay vào ngài Warren Buffett hiện tại, dù nắm giữ 140 tỷ USD sẵn sàng giải ngân nhưng vẫn ngồi im mặc kệ thị trường lên lên xuống xuống.

Tôi biết rằng ngoài kia có rất nhiều người giống với cậu bạn thân của tôi. Nhưng xin các bạn hãy tỉnh táo và hiểu một điều hết sức đơn giản rằng, nếu cơ hội cứ nhiều và dễ nhìn thấy như lá rụng ngoài đường mùa thu thì hoặc đó là một cú lừa, hoặc chúng ta phải làm việc hết sức chăm chỉ và kiên nhẫn mới có thể nhìn thấy nó. Chứ không có chuyện thị trường cứ giảm vài chục điểm, tương ứng với cỡ 2% bé tí tẹo là tự động cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện đâu.

2. Cảm thấy khó khăn trong việc kìm chế ham muốn “bắt đáy”.

Các bạn biết đó, ai mà chả muốn mua được ở đáy và bán được ở đỉnh chứ, nhưng hãy thành thật với lòng mình xem nếu không có may mắn thì đã mấy lần các bạn làm được điều đó vậy?

Hay là chúng ta càng cố gắng làm vậy thì chúng ta càng rơi vào tình huống mua ở đỉnh và bán ở đáy?

Biểu đố biến động của Vn-Index trong gần 10 năm qua (Nguồn: Tradingview.com)

Rồi bây giờ các bạn hãy nhìn vào biểu đồ sự biến động của chỉ số Vn-Index trong 10 năm qua như trên: vào năm 2018, chỉ số này đã có cú sụt tới khoảng 25% từ đỉnh 1200 về mốc 900, nhiều người cho rằng điều này là dấu hiệu đủ khả quan để bắt đáy nhưng chỉ số này vẫn cứ lình xình loanh quanh mốc 900 cho tới tận đầu năm 2020 rồi bị đánh cho sập về tận dưới 700 vì sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Vậy nếu như Vn-Index giảm tận 25% rồi mà vào bắt đáy vẫn có nguy cơ thua lỗ một cách bình thường thì khi Vn-Index giảm có 2% như tuần vừa rồi, bạn vẫn tự tin rằng đó là dấu hiệu nên vào bắt đáy sao???

Tôi đang không cố gắng dự đoán thị trường và sự thật là tôi đã và sẽ không bao giờ dành thời gian làm chuyện đó cả. Tôi chỉ luôn mong ước mình có đủ thời gian để tìm tòi, học hỏi và tìm hiểu được sâu và rộng hơn về các ngành nghề kinh doanh, các công ty đang tồn tại để rồi một ngày đẹp trời nào đó, cơ hội sẽ tới với tôi và các đối tác.

3. Mông lung về việc thế nào là rẻ?

Quay trở lại với câu chuyện về việc bạn tôi nói rằng giá cổ phiếu VNM hiện tại chỉ loanh quanh 86.000đ/cổ phiếu là quá hấp dẫn để “bắt đáy”. Bởi vì nó là một công ty quá lớn, quá mạnh, quá siêu lợi nhuận và đã từng đạt tới mức giá 130.000đ/cổ phiếu tức là tiềm năng tăng giá tới tận 51,16% từ mức giá hiện tại. Điều này nghe qua thì có vẻ cực kỳ hợp lý và tôi khá chắc sẽ có rất nhiều người khác cũng sẽ có những tư duy tương tự thế này ở rất nhiều mã cổ phiếu và công ty khác. Thậm chí, tôi cũng không phủ nhận việc chính mình cũng từng có những tư duy kiểu như thế này và rồi thì bay mất 35% tài sản cũng vì nó đấy :)))

Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tại sao cái tư duy này nó sai, và tư duy đúng là như thế nào. Trước tiên, tôi cho rằng có một loại tâm lý rất phổ biến đang hiện diện ở đây là FOMO – Fear Of Missing Out, hay dịch ra là tâm lý sợ bị bỏ lỡ. Chúng ta rất nhiều khi thấy những người bên cạnh mình giàu lên nhanh chóng từ buôn đất, từ đánh chứng khoán cho tới kể cả những trào lưu từng thịnh hành một thời ở Việt Nam như mở quán trà sữa hoặc trà chanh, và việc thèm khát sự giàu có GIỐNG NHƯ HỌ đã khiến chúng ta thiếu suy xét cẩn thận mà bắt chước chính xác những gì những người xung quanh đã làm để giàu lên. Và để rồi, khi có quá nhiều người cùng xâu xé một miếng bánh hữu hạn thì những người tới sau như chúng ta chỉ còn có thể uống nước đục như những con trâu chậm mà thôi.

Hội chứng FOMO thể hiện rất rõ ở người bạn thân của tôi khi anh ấy cảm thấy rất khó chịu khi nhìn bạn bè mình giàu lên từ chứng khoán rất rất nhiều và rất rất nhanh. Anh ấy tự áp đặt lên bản thân mình một thứ áp lực là phải tìm ra thứ siêu cổ phiếu tiếp theo giống như những gì mình vẫn hay nhìn thấy bạn bè chia sẻ trên facebook. Và nếu như một công ty đang lọt Top 30 những công ty tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam đang được bán với mức chiết khấu 33,84% dưới mức thị giá cao nhất từng có cách đây 3 năm, với anh ấy, chính là một “món quà của thượng đế”.

Quá bất ngờ trước những lý lẽ của người bạn thân của mình, tôi bèn phải chỉ ra cho anh ý một vài dẫn chứng về VNM như sau:

  • VNM đang trải qua chuỗi nhiều năm tăng trưởng vô cùng chậm chạp – doanh thu tăng chậm và lợi nhuận gần như là đi ngang, với lý do chính là do thị trường sữa tại Việt Nam có thể nói là đã bão hoà ngay cả khi VNM độc tôn thị phần số 1 cả nước (43,3% thị phần năm 2020) nhiều năm liền. Điều này dẫn tới việc sẽ khó có chuyện trong một sớm một chiều mà VNM có thể thay đổi vận mệnh của mình khiến cho sẽ có rất nhiều “ai đó” sẵn sàng trả nhiều tiền hơn mốc 86.000đ/cổ phiếu để mua lại một phần VNM từ người bạn của tôi – điều mà chắc chắn anh ấy rất mong đợi.
  • 10 năm qua dòng tiền tự do ròng trung bình của VNM là 5663 tỷ đồng/năm. Với mức giá 86.000đ/cổ phiếu thì vốn hoá thị trường của VNM vào khoảng 179.936 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là người bạn của tôi đang sẵn sàng bỏ ra 179.936 tỷ đồng ra mua một công ty có năng lực in ra đều đặn 5663 tỷ đồng/năm – tương đương với việc sẽ hoàn vốn sau 31,7 năm nữa. Trong trường hợp xấu nhất, liệu anh ấy có sẵn sàng chờ đợi 31,7 năm để chỉ đợi hoàn vốn chứ chưa nói tới có lãi cho một khoản đầu tư không?
  • Chỉ số P/B của VNM đang rơi vào khoảng 5,3 lần, tức là anh bạn tôi đang sẵn sàng bỏ 5300đ ra mua 1000đ. Tất nhiên điều này là do chúng ta đã không tính vào giá trị sổ sách của VNM rất nhiều khoản mục như giá trị thương hiệu hay là lợi thế cạnh trạnh mạnh mẽ dựa vào mạng lưới phân phối rộng khắp và khả năng sản xuất với chi phí rẻ. Nhưng kể cả cho có tính cả những thứ đó đi chăng nữa, tôi cho rằng P/B của VNM vẫn phải sấp xỉ hoặc lớn hơn 3 lần – rất cao khi nhớ rằng tài sản cố định của một công ty sản xuất công nghiệp như VNM thực ra sẽ có giá trị thấp hơn rất nhiều so với sổ sách (vì ai mà lại có thể đi mua lại thanh lý cả cái nhà máy to đùng chứ).
  • Và cuối cùng, tiềm năng tăng trưởng của VNM: Đây là điều mà những nhà đầu cơ rất thích nghe tới và bàn luận về, đơn giản bởi vì họ đánh đồng một cách hết sức đơn giản rằng một công ty tăng trưởng tốt và nhanh thì sẽ làm giá cổ phiếu tăng lên theo cùng mức độ. Điều này trong dài hạn nhiều khả năng là đúng nhưng làm gì có nhà đầu cơ nào gắn bó với một cổ phiếu trong dài hạn cơ chứ! Triển vọng tăng trưởng của VNM được nhiều người nói tới rằng nằm ở chỗ VNM nhiều năm qua rất tích cực M&A để nắm quyền kiểm soát nào VLC, GTN rồi thì cả Sữa Mộc Châu và Vang Đà Lạt. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng động lực tăng trưởng dễ hiện thực hoá hơn cả của VNM thực ra nằm ở khả năng xuất khẩu. VNM sản xuất và bán hàng trong nước thành công thì ai cũng thấy rồi, việc thâu tóm thêm Sữa Mộc Châu – vốn chỉ chiếm xấp xỉ 2,1% thị phần sữa trong nước cũng không hẳn có thể là động lực tăng trưởng lớn được mà khả năng cao đó sẽ là những thị trường nước ngoài với tiềm năng khổng lồ đang đợi VNM khai phá bằng năng lực đã được kiểm chứng của mình. Ấy vậy mà tôi thực sự chưa thấy chiến lược xuất khẩu của VNM có sự đột phá gì khi doanh thu xuất khẩu mới chỉ chiếm chưa tới 15% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Con số này nếu có thể được nâng lên thành 20%, 30%, 40% thì có lẽ VNM sẽ có rất nhiều tiềm năng để quay về với đỉnh cao 130.000đ/cổ phiếu của mình hoặc hơn mức đó.

Vậy nếu nói như thế thì VNM xứng đáng với mức định giá nào chứ? Căn cứ vào dòng tiền tự do ròng, định giá tài sản thì tôi cho rằng mức giá trị hợp lý của VNM chỉ nên nằm ở khoảng từ 55.000đ – 65.000đ/cổ phiếu mà thôi. Sẽ thật tuyệt vời để đầu tư vào VNM nếu một ngày kia thị trường giảm điểm theo cái cách “kinh hoàng nhất có thể” và đưa VNM về mốc khoảng 40.000đ/cổ phiếu thì chỉ khi đó, tôi mới khuyên bạn mình mua vào, và dĩ nhiên tôi cũng sẽ mua một ít cho chính mình.

Ấy thế nhưng tôi chợt nhận ra có một ví dụ phản biện nét căng cho những gì tôi vừa lập luận, đó là vào năm 1988, sau một đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 1987 thì ngài Warren Buffett đã mua vào rất mạnh với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD cổ phiếu của Coca-Cola. Và các chỉ số của Coca-cola lúc đó là P/E xấp xỉ 18 và P/B xấp xỉ 5, rất tương đồng với VNM của hiện tại. Cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, có tình hình tài chính và dòng tiền rất mạnh, thống trị thị trường trong nước và đều đang tăng trưởng rất chậm. Thế nhưng để ý kỹ hơn thì tôi nhận ra có 02 sự khác biệt rất rất lớn ở đây: Thứ nhất, đó là 65% doanh thu của Coca-cola vào năm 1987 là từ thị trường nước ngoài – nơi mà còn ẩn chứa rất rất nhiều cơ hội tăng trưởng, trong khi con số này của VNM vào năm 2020 lại chỉ có 15% (đây chính là lý do tại sao tôi cho rằng cơ hội lớn nhất đối với VNM hiện tại chính là mở rộng thị trường xuất khẩu. Làm được điều này thì VNM sẽ lớn nhanh như thổi, bằng không thì vẫn chỉ là “học sinh giỏi trường làng”). Và thứ hai, tỷ lệ ROE (Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu) của Coca-cola khi đó đang ở mức đều đặn 55,5% – một con số tốt đẹp tới mức điên rồ trong khi tỷ lệ này của VNM thì đang có dấu hiệu ngày càng đi xuống và năm 2020 vừa rồi đã dừng lại ở mức 35%.

Sâu xa hơn của vấn đề mông lung về việc thế nào là đủ rẻ để mua, tôi cho rằng bản chất nó là việc liệu chúng ta tự tin bao nhiêu % về kỹ năng định giá công ty của mình? Bởi chỉ khi chúng ta định giá được một công ty là X tỷ đồng thì công ty đó rẻ khi mà nó đang được bán dưới X tỷ đồng và chúng ta nên mua vào và đợi tới ngày nó quay về giá trị thật đó. Còn khi công ty đó đang được bán trên X tỷ đồng thì đó là đắt, sẽ tồn tại rủi ro nó bị giảm giá để quay về giá trị thật và ta không nên mua.

Một lần nữa, tôi vẫn muốn nhắc lại, đưa thêm ra các ví dụ và nhấn mạnh vào việc một Nhà Đầu Tư thì nhất định cần có một tư duy độc lập, hợp logic và khoa học đi kèm với một tính cách kiên nhẫn đến cực độ. Bởi vì chỉ cần một lần xảy chân duy nhất do thiếu kiên nhẫn thì hoặc phần lớn tài sản của anh ta sẽ bay biến, hoặc anh ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội chỉ gặp một tới hai lần trong đời.

Chúc các bạn tuần mới thật nhiều năng lượng!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *