Chứng khoán là gì, thị trường chứng khoán là gì vậy?

Ngay trước khi viết những dòng này, tôi có lướt qua một bài viết trên một hội nhóm khá lớn về lĩnh vực “đầu tư chứng khoán”, ở đó người chủ bút có nói rằng anh ta mới mua vào 30.000 cổ phiếu mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát ở giá đâu đó 57 – 58 ngàn đồng/cổ phiếu nhưng vừa phải cắn răng bán bỏ khi giá đã rớt mạnh về vùng 49 ngàn đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng chưa đầy 01 tháng. Anh ta cho rằng anh ta thua lỗ là vì ngài Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã nêu ra tầm nhìn rằng sẽ biến Hòa Phát trở thành tập đoàn thép lớn tầm cỡ thế giới, làm anh ta tin tưởng nên anh ta mới “đầu tư”. Vậy nên tất cả sự thua lỗ của anh ta là bởi vì lỗi lầm của ngài Trần Đình Long.

Bỏ qua tính xác thực của số lượng cổ phiếu thực tế anh ta mua, tôi thấy thật hài hước và ngây thơ khi đưa ra lời phán xét về Chủ tịch Long như vậy. Lý do bởi vì:

  1. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân: tôi chưa hề thấy anh ta nói rằng mình có lỗi mà chỉ đi đổ lỗi cho người khác.
  2. Ngài Trần Đình Long là người có vai trò to lớn đảm bảo Tập đoàn Hòa Phát sẽ phải liên tục làm ăn có lãi và tăng trưởng đều đặn, hơn nữa tôi chỉ thấy ngài ấy nói rằng sẽ cố gắng để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, cho Nhà Đầu Tư vào Hòa Phát chứ tuyệt nhiên tôi chưa từng thấy ngài ấy nói sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu cơ như anh chàng kia.

Tại sao tôi lại có thể khẳng định hai điều trên thì có lẽ chúng ta nên ngược dòng thời gian, về … thế kỷ XI tại đất nước Ai Cập để tìm hiểu xem một kỳ quan vĩ đại của lịch sử thế giới đã được ra đời như thế nào.

Bạn biết đó, kinh doanh lúc nào thì cũng phải có vốn, nhưng huy động vốn ở đâu thì từ lâu đã, đang và sẽ mãi mãi là một câu hỏi cực cực kỳ lớn của bất cứ ai từ người bán hàng online cho tới người giàu nhất thế giới, bất kể khi họ muốn bắt đầu kinh doanh, mở rộng kinh doanh hay đơn giản là duy trì kinh doanh. Và khi nhu cầu xuất hiện, giải pháp cũng sẽ thành hình ngay, ngày đó người ta muốn có vốn kinh doanh thì chỉ biết đi vay tiền mà thôi, rồi dĩ nhiên vay tiền thì phải trả lãi vì lãi suất chính là phần thưởng cho sự chia ly với tiền bạc – trích lời người thầy yêu quý của tôi. (Tôi cũng không bất ngờ khi thời đó, những người tích cực kinh doanh tín dụng – tức cho vay tiền chính là những thương nhân Do Thái)

Nào, giờ tới phần thú vị rồi đây. Khoản lãi suất béo bở vài phần trăm tới cả chục phần trăm một năm luôn là thứ “lợi ích” vô cùng hấp dẫn mọi người. Người ta rất muốn cho nhau vay tiền để thu về tiền lãi nhưng các bạn hãy thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu các thương nhân đã vay đủ tiền nên không cần vay thêm nữa, hoặc là những chủ nợ cũ đang cần tiền gấp nhưng chưa đến ngày tất toán khoản nợ nên chưa thể thu hồi được vốn ngay lập tức?

Rất đơn giản, người ta bắt đầu giao dịch các khoản cho vay này với nhau, tức là các chủ nợ cũ sẽ bán lại món nợ này cho các chủ nợ mới. Chủ nợ cũ có thể thu hồi vốn ngay lập tức và chủ nợ mới thì sẽ có cơ hội thu được những món “lợi ích” vô cùng hấp dẫn dưới dạng tiền lãi.

Vậy là Thị trường chứng khoán có thể nói là đã chính thức được đặt nền móng vào khoảng thế kỷ XIII – XIV. Với chứng khoán đầu tiên chính là các khoản vay (tiền thân của trái phiếu ngày nay) được mua đi bán lại để hưởng lãi suất cho vay và việc giao dịch thì có thể được nhìn thấy tại các quán rượu, nhà hàng hay thậm chí là lề đường.

Nhưng chỉ khi Công ty Cổ phần đầu tiên trên thế giới được hình thành vào năm 1602 tại Hà Lan thì thị trường chứng khoán mới chính thức được đặt lên bệ phóng để phát triển một cách bùng nổ.

Đoạn văn sau đây được tóm lược có chỉnh sửa từ Ấn phẩm đầu tư giá trị miễn phí số 01 The Golden Newsletter Viet Nam – ấn phẩm về đầu tư vô cùng giá trị hiện tại ở Việt Nam mà tôi luôn cực kỳ ngưỡng mộ đội ngũ biên tập:

Công ty Cổ phần Đông Ấn Hà Lan hợp nhất – The Vereenigde Oost-Indische Compagnie (VOC) được thành lập vào năm 1602 nhờ vào sự hợp nhất của 06 công ty thương mại tại các thành phố Amsterdam, Middelburg, Enkhuizen, Delft, Hoorn và Rotterdam trong bối cảnh chiến tranh hỗn loạn giữa Hà Lan với Bán đảo Iberia bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang diễn ra.

Ban đầu VOC được chính phủ Hà Lan tài trợ vốn để có số vốn điều lệ là 6,44 triệu guilders – tương đương 107 triệu Euros ngày nay, không chỉ dừng lại ở đó, công ty được trao lợi ích khai thác độc quyền gia vị trong 21 năm tại Khu vực Đông Ấn – Đông Nam Á ngày nay để đem về tiêu thụ tại Châu Âu. Và nếu tìm hiểu sâu hơn về ngành thương mại gia vị thời kỳ đó thì có lẽ chúng ta sẽ khá bất ngờ khi biết rằng nhờ vào sự khó khăn trong việc vận chuyển xa xôi mà ngành này đem về lợi nhuận lên tới 400% trên vốn đầu tư tương đương với chỉ số ROE là 400% – một con số kinh hoàng và đáng thèm khát đối với bất kỳ doanh nhân nào.

VOC ngày đó có cả thảy 17 thành viên sáng lập, trong đó nổi bật nhất là Dirck Bas, ông đã góp 6000 guilders và giữ vị trí giám đốc điều hành VOC. Nhưng bước ngoặt vĩ đại nhất đã tới khi VOC sửa đổi bản điều lệ doanh nghiệp vào năm 1606, nó đã cho phép bản thân mình được phát hành thêm một thứ được gọi là “aktie” – đây là một loại giấy chứng nhận sở hữu một phần của doanh nghiệp hay nói cách khác thì bất cứ ai sở hữu 1 aktie thì đều là 1 chủ sở hữu của VOC, từ đó họ có quyền hợp pháp để hưởng phần tương ứng trong lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp – thứ lợi ích khá tương tự với “lợi ích” là tiền lãi khi cho vay tiền. Aktie vì đó có thể nói là tiền thân của cổ phiếu như bây giờ.

Ảnh: 1 Aktie của VOC

Việc bỏ tiền ra là có thể sở hữu một phần của công ty lớn nhất Hà Lan thời điểm đó và nhất là được hưởng một phần của lợi nhuận công ty hàng năm – hay còn gọi là cổ tức chính là thứ hấp dẫn tới mức đã có hàng ngàn người đăng ký mua các aktie để chính thức trở thành cổ đông của VOC, đánh dấu sự kiện IPO đầu tiên trên thế giới đã thành công vang dội.

Tuy nhiên tới đây thì có một rắc rối lại xuất hiện, đó là sẽ có nhiều cổ đông có nhu cầu bán đi các aktie của mình để thu về tiền mặt ngay, phục vụ các nhu cầu cá nhân. Việc này chỉ có thể được thực hiện bằng cách VOC sẽ mua lại các aktie và trả lại tiền mặt cho cổ đông, dẫn tới áp lực về dòng tiền trong ngắn hạn và rủi ro nếu số lượng lớn cổ đông muốn bán lại cho công ty các aktie thì VOC rất có thể sẽ gặp khủng hoảng về thanh khoản. Chính vì vậy, 03 năm sau sự kiện IPO, VOC đã sửa lại bản điều lệ trong đó quy định rằng các cổ đông không còn quyền bán lại aktie cho công ty mà chỉ có thể “thoái vốn” bằng cách tìm người khác mua lại các aktie của mình. 

Thị trường giao dịch cổ phiếu Amsterdam chính thức thành hình chỉ sau đó 1 đêm. Đánh dấu thị trường chứng khoán hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới đã chính thức ra đời!

Quay lại với VOC, công ty đã chi trả cổ tức tiền mặt liên tục trong 134 năm từ 1602 tới 1736 với tỷ lệ cổ tức trung bình là 16,5% – một con số mà bất kỳ công ty nào trên thế giới hiện nay cũng phải ngả mũ thán phục và rất nhiều công ty đang niêm yết trên thị trường Việt Nam hiện nay phải cảm thấy xấu hổ. Còn với riêng Dirck Bas, sau 10 năm điều hành công ty, ông đã biến số vốn góp 6000 guilders ban đầu của mình lên tới 500.000 guilders – tức mức lợi nhuận 8233%!!!

Hết chuyện rồi, bây giờ chúng ta sẽ trở về với Việt Nam vào ngày 22/11/2021, tôi kể câu chuyện trên là muốn các bạn hiểu được mấy điều như thế này:

  1. Công ty là thứ xuất hiện trước, thị trường chứng khoán xuất hiện sau và làm nhiệm vụ huy động vốn cho công ty sản xuất và kinh doanh.
  2. Bản chất của đầu tư là để tìm kiếm “lợi ích“, càng nhiều lợi ích được sinh ra thì càng có nhiều người muốn mua lại khoản đầu tư của bạn với giá cao hơn, từ đó bạn có “lợi nhuận“.
  3. Thứ “lợi ích” nguyên thủy, an toàn và hấp dẫn nhất khi tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán chính là lãi suất cổ tức chứ không phải là lợi nhuận thuần đầu cơ tới từ sự tăng giá của cổ phiếu hay trái phiếu.
  4. Bởi vì thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn cho doanh nghiệp, nên bạn mua trái phiếu của doanh nghiệp có nghĩa là bạn đã cho doanh nghiệp vay tiền, bạn mua cổ phiếu của doanh nghiệp tức là bạn đã góp vốn vào doanh nghiệp để đổi lấy một tỷ lệ sở hữu nhất định doanh nghiệp đó.

Vậy cho nên, ai cũng biết là đầu tư vào cổ phiếu muốn có lợi nhuận thì giá chúng ta bán cổ phiếu ra phải lớn hơn giá cổ phiếu chúng ta mua vào, điều đó là gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai nếu như hoặc công ty ngày càng trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao hơn làm thu hút nhiều người hơn muốn hưởng khoản “lợi ích” béo bở đó, hoặc công ty ngày càng lớn hơn, nắm giữ nhiều tài sản thuộc sở hữu của mình (chứ không phải của các chủ nợ) hơn.

Đây chính là nguyên lý để thị trường chứng khoán tạo ra thêm giá trị không chỉ cho Nhà Đầu Tư mà còn là cho toàn xã hội. Còn nếu các bạn cứ liên tục giàu có lên nhưng công ty bạn sở hữu một phần không hề tốt lên thì khi đó thị trường chứng khoán chỉ đang lấy tiền của người khác và đưa cho bạn mà thôi, chẳng có giá trị gì mới được tạo ra cho tất cả mọi người cả.

Ấy vậy mà ngày nay người ta còn chả thèm quan tâm xem đứng sau một mã cổ phiếu là công ty gì, có tài sản ra sao, đang làm ăn thế nào, đang gặp phải rủi ro hay cơ hội gì, đặc biệt là có trả cổ tức bằng tiền mặt hay không, trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ cao không. Họ cứ mua rồi cầu may là giá cổ phiếu sẽ tăng mà không hề chịu khó đánh giá xem liệu thứ “lợi ích” mà cổ phiếu đó đem lại có đủ hấp dẫn để người khác trả ngày càng nhiều tiền hơn để mua lại cổ phiếu bạn đang sở hữu không.

Bây giờ chúng ta hãy quay lại với câu chuyện ở đầu bài viết, chàng trai chủ bút nếu biết nghiên cứu sâu chắc chắn sẽ nhận ra cổ tức tiền mặt mà Hòa Phát trả cho Nhà Đầu Tư nhiều năm qua quá bèo bọt. Nguyên nhân lớn đến từ việc Hòa Phát phải tái đầu tư lợi nhuận liên tục cho các đại dự án mới mà trọng điểm là Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất. Hơn nữa ngành bất động sản có thể nói là đang leo lên đỉnh chu kỳ thì ắt sẽ sắp phải trải qua một mùa đông băng giá tới đáng sợ, ảnh hưởng nặng nề tới mảng kinh doanh sắt thép xây dựng của Hòa Phát. Vậy thì lao mình vào mua hàng chục nghìn cổ phiếu HPG tại thời điểm hiện tại chỉ chứng tỏ anh ta là một người chẳng am hiểu gì về đầu tư và bản chất của cổ phiếu cả. Anh ta thua lỗ thì còn không tự trách mình đi, còn trách ai nữa?

Thị trường chứng khoán từ thời kỳ của VOC tới nay đã được hơn 400 năm và ngoài hai dạng thức cơ bản nhất là trái phiếu (các khoản vay) và cổ phiếu thì hiện nay đã bao gồm rất nhiều thứ từ hợp đồng phái sinh cho tới chứng quyền, bán khống, chứng chỉ quỹ,… Mỗi thứ đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng nhưng tựu chung lại, nói thật là tôi vẫn ưa thích cổ phiếu và trái phiếu hơn cả vì chứng quyền và các hợp đồng phái sinh nếu các bạn tìm hiểu tới tận cùng bản chất, các bạn sẽ thấy nó mang dáng dấp của cờ bạc khá là nhiều :))) còn chứng chỉ quỹ thì lại không đem đến cho chúng ta những trải nghiệm tìm tòi, khám phá, phân tích đầy hấp dẫn và cả những khoản lợi nhuận đầy béo bở vượt lên trên thị trường.

Nếu ai đó chờ đợi ở bài viết này có một định nghĩa nào đó ngắn gọn và dễ hiểu về chứng khoán hay thị trường chứng khoán thì tôi rất tiếc phải làm các bạn thất vọng vì tôi sẽ không nói cho các bạn thứ đó đâu. Tôi mong các bạn có thể hiểu và tự diễn giải về nó bằng trí tuệ của mình vì đơn giản là khi người ta hiểu, người ta sẽ có khả năng tự cụ thể hóa kiến thức thành từ ngữ, còn khi người ta không hiểu, có cho người ta định nghĩa cũng bằng thừa. Hơn nữa, những định nghĩa như vậy cũng đã đầy rẫy trên Internet rồi mà nhỉ ^^

Lời cuối, trước khi đầu tư bất kỳ thứ gì, tôi mong bạn hãy luôn tự đặt câu hỏi xem nó sẽ đem lại thứ “lợi ích” gì cho chúng ta, thứ “lợi ích” đó có tồn tại một cách thực chất và bền vững, hấp dẫn tới mức sẽ có nhiều người khác muốn mua nó lại từ bạn hay không? Chúc các bạn một tuần mới tràn đầy năng lượng!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *