Thói quen “đầu tư” của người Việt Nam hiện nay

Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, phải nói là tôi chưa từng bao giờ thấy tâm lý hào hứng đầu cơ đội lốt đầu tư lại nóng bỏng tay và diễn ra sôi sục ngay bên cạnh mình như vậy. Từ những người bạn, rồi tới những người cô người chú thân thiết, và dĩ nhiên không thể thiếu đó là nhân vật quen thuộc trong các bài viết trước – mẹ tôi. Người thì khoe mới bán lô đất lãi gần tỷ bạc, người thì khoe cho con trai 300 triệu mà mấy bữa đã lời hơn 400 triệu, mới chốt lãi rồi. Người chưa được gì thì ngứa ngáy hết tay chân, hỏi thăm loạn xạ là tầm này nên đầu tư gì: đất nền hay “tiền ảo”, chứng khoán còn sốt không? vàng còn tăng lên bao nhiêu biết không? Và ngay bây giờ khi tôi đang viết những dòng này thì mẹ tôi đang lên đồ…đi xem đất.

Chính vì vậy, nên tôi nghĩ sẽ không có gì phù hợp hơn việc nói về chủ đề thói quen “đầu tư” của người Việt Nam vào lúc này. Tuy nhiên, tôi sẽ không đánh giá cách làm nào đúng, cách làm nào sai bởi vì đúng hay sai trong kinh doanh và đầu tư nhiều khi nó rất mù mờ. Liệu một người cả đời đi ăn cướp để nuôi sống một đàn em nhỏ cùng cha mẹ già có được gọi là sai? Hay liệu một doanh nhân thành đạt tới cuối đời mới bị lộ ra là đã bóc lột sức lao động của hàng ngàn người có được cho là đúng? Các bạn ạ, tôi thực sự cho rằng cái gì cũng có hai mặt của nó, đầu cơ sẽ luôn có đầu cơ đúng và đầu cơ sai, đầu tư cũng vậy, sẽ luôn có cả đầu tư đúng và đầu tư sai. Vậy nên tôi sẽ cố gắng dùng con mắt của mình để chỉ ra mặt lợi và hại của những thói quen “đầu tư” lâu đời nay của người Việt Nam ta.

1. “Đầu tư” vàng.

Tôi cho rằng không phải đất mà vàng mới chính là hình thái “đầu tư” đầu tiên của người Việt Nam. Đơn giản bởi vì việc người người nhà nhà đầu tư cũng như đầu cơ đất đai chỉ thực sự bùng nổ từ sau khi Luật Đất Đai năm 1993 ra đời, mở đường cho việc chuyển nhượng đất được tự do hóa. Còn vàng thì chắc từ đời ông bà cụ kỵ tổ tông 18 đời nhà chúng ta đã biết mua về để cất gầm giường rồi khi nào cần sẽ đem ra bán rồi. Vậy thì còn nghi ngờ gì về việc vàng chính là đối tượng “đầu tư” đầu tiên của người Việt Nam chúng ta.

Tới đây, tôi xin kể cho bạn một ví dụ về việc đầu tư vàng khá thành công của chính mẹ tôi – người mà tôi vẫn luôn cho rằng có một máu đầu cơ rất cao. Chuyện là mẹ tôi có mua một món vàng ở vùng giá 36 – 38 triệu đồng/lượng từ khoảng năm 2011 rồi…cất đi, không làm gì cả – đúng theo mẫu hình một người Việt Nam điển hình. Và rồi khi đại dịch covid ập tới, giá vàng lên cao và mẹ tôi đã chính thức “thoát hàng” ở vùng giá 56 triệu đồng/lượng vào năm 2020. Đem về mức lợi nhuận 50% sau 10 năm tức tương đương mức lãi suất kép khoảng 4,6%/năm. Nhìn thì ít nhưng thực ra số lợi nhuận đó là cũng thừa đủ cho bố mẹ tôi an hưởng tuổi già luôn. Với một người đi làm công nhà nước lấy lương, sở hữu một khoản đầu tư sinh lợi đều đặn theo lãi suất kép 4,6%/năm thì tôi đánh giá cũng không hề là tồi, nhất là khi rủi ro mẹ tôi phải chịu gần như là rất thấp sau tận 10 năm nắm giữ.

Câu chuyện này cho tôi rất nhiều bài học quý giá các bạn ạ:

Đầu tiên, nó khiến tôi thay đổi cái nhìn tiêu cực về khái niệm đầu cơ. Việc mua vàng của mẹ tôi đơn thuần chỉ có 1 lý do duy nhất là “có tiền thì mua, để đó kiểu gì cũng lãi” mà không hề có phân tích kỹ lưỡng, không hề đánh giá các yếu tố rủi ro thị trường, nền kinh tế, cũng chẳng cần biết ngoài kia cũng đâu ít người lỗ hàng tấn tiền vì vàng thì chắc chắn là một việc đầu cơ chứ không thể được xếp là đầu tư. Ấy nhưng nhìn xem, bà đã đầu cơ rất tốt đó chứ.

Bạn xin đừng nhìn vào con số 4,6%/năm mà chê bai, nếu bạn chưa từng để ý thì nếu bây giờ bạn 25 tuổi và đang có 400 triệu tiền tích lũy và cứ mỗi năm bạn tích lũy thêm được 100 triệu bỏ thêm vào thì sau 50 năm, tức khi bạn 75 tuổi bạn sẽ có tới 22,11 tỷ đồng!!! Tương đương mức lãi suất kép 8,5%/năm – ăn đứt lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, bất chấp việc mẹ tôi đã khá thành công với vàng và giả thuyết tuyệt vời tôi vừa đưa ra thì chắc chắn sẽ có không ít người thua lỗ nặng nề vì vàng, lý do thì bạn hãy nhìn biểu đồ dưới đây:

Giá vàng 11 năm qua (2011 – 2020). Nguồn: Hawacorp.vn

Bạn có thấy không, nếu mẹ tôi mua vàng vào năm 2011, ở vùng giá 36 – 38 mà chỉ thuần đầu cơ thì mẹ tôi sẽ lỗ nặng nề trong khoảng từ 2011 cho tới hết năm 2018 – tức 8 năm trời đằng đẵng, bà chỉ thực sự có lợi nhuận ở mức khá do thời gian đã làm cho bà gặp rất nhiều may mắn mà thôi. Nếu bạn vẫn không tin thì hãy giả sử như bạn ngày nào cũng xem giá vàng trên một cái bảng điện tử giống như giá chứng khoán thì liệu bạn có đủ kiên nhẫn để giữ một khoản đầu tư không hề sinh lãi trong 8 năm trời không?

Và tới đây, tôi cũng đã nghiệm ra một kiểu tư duy điển hình cực kỳ sai lầm của người Việt Nam nhưng lại vẫn thường trả về những kết quả đúng đắn, miễn là chờ đợi đủ lâu, đó là “cứ mua rồi chờ” nhưng chờ bao lâu thì không biết.

Cơ mà các bạn đừng buồn, vẫn tồn tại một cách đầu tư vàng khá an toàn và đã được cả khoa học lẫn thực tiễn của ông bà chúng ta chứng minh là đúng, phương pháp đó có tên là “bình quân chi phí“. Cách làm cực kỳ đơn giản như sau: Mỗi tháng nhận lương về, hãy trích ra 10 – 30% để mua vàng bất chấp mức giá. Giá 37 triệu/lượng cũng mua, 30 triệu/lượng cũng mua, 40 triệu/lượng cũng mua, 57 triệu/lượng cũng mua. Việc mua bất chấp mức giá trên số vốn không đổi mỗi tháng sẽ giúp “cào bằng” mức rủi ro sụt giá bạn phải gánh chịu nhưng tiềm năng tăng giá thì không hề bị giới hạn. Tuy nhiên hãy cẩn trọng mua vàng từ những cơ sở uy tín, bảo quản và cất giữ vàng ở những nơi đặc biệt an toàn và chỉ có một mình bạn biết, vàng nếu để lâu ở nơi ẩm ướt thì có thể bị ố một chút thôi cũng sẽ dẫn tới việc bị ép giá khi bán đó nhé.

2. “Đầu tư” “đất”

Đây có lẽ mới là hình thức “đầu tư” thịnh hành nhất, siêu lợi nhuận nhất bất chấp việc sinh sau đẻ muộn của nó. Và có lẽ Việt Nam cũng là một miền đất hứa với hình thái “đầu tư” này bên cạnh Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc một phần lớn bởi vì tâm lý ưa thích bất động sản của người Á Đông chúng ta. Và khi tôi nói “đầu tư đất” thì ý của tôi nói tới chính là hoạt động đầu tư/đầu cơ bất động sản với đối tượng đầu tư/đầu cơ đầu tiên chính là đất nền rồi hiện tại đã có thêm rất nhiều phân khúc bất động sản mới mà Nhà Đầu Tư/nhà đầu cơ có thể quan tâm bao gồm: nhà ở mặt đất, nhà ở chung cư, officetel, condotel, shophouse và loại hình hot nhất nhì hiện nay chính là bất động sản công nghiệp bao gồm khu công nghiệp, nhà xưởng, nhà kho,….

Và cái lý lẽ dĩ nhiên nhất, phổ biến nhất mà đại đa số các nhà đầu cơ đều biết trước khi tham gia đầu cơ bất động sản chính là:

Người thì đẻ thêm, nhưng đất đâu có đẻ thêm. Đầu tư đất chắc chắn sẽ lãi.

Vâng và cộng thêm việc hàng ngàn, hàng vạn tấm gương đổi đời vì đất đã làm cho có hàng triệu người Việt Nam chúng ta mờ mắt vì món lợi khổng lồ mà đất đai mang lại, chúng ta sẵn sàng lao vào mua đất mà không hề có kinh nghiệm, không hề đủ kiến thức, không hề có sự quản trị rủi ro, và đau đớn nhất chính là có người còn dám vay nợ để đầu cơ bất động sản trong khi cứ ngỡ là mình đang đầu tư cho một tương lai huy hoàng!

Bạn muốn biết những tấm gương đau thương đó sao, hãy thử “google” cụm từ “Tiến sỹ Mai Huy Tân”, bạn sẽ nhìn thấy một tấm gương đi vay tới 402 tỷ đồng để đầu tư condotel và rồi đang gặp rủi ro phá sản. Hoặc bạn cũng có thể làm những cuộc nghiên cứu nhỏ khi “google” về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 mà bắt nguồn chính từ bong bóng bất động sản. Hay là về gần hơn, bạn có thể nhìn ngay sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông – nơi mà tâm lý ưa thích đầu tư/đầu cơ bất động sản đã sớm nở hơn Việt Nam hàng chục năm và để lại hậu họa là bây giờ người ta nhận ra có đi làm cả đời có khi cũng chẳng thể tích cóp đủ tiền mua một căn chung cư nhỏ có 2 phòng ngủ, thế thì tội gì phải cố gắng, tội gì phải sáng tạo??????

Vâng, thứ giúp chúng ta giàu có lên ngày hôm nay rất có thể sẽ là thứ đẩy con cháu chúng ta tới bước đường nghèo túng cả đời sau hàng chục năm nữa đó bạn ạ!

Chính bởi thực trạng lạ thường là vẫn có những “nhà đầu tư” thua lỗ, thậm chí nguy cơ phá sản khi tham gia vào lĩnh vực vua của các loại siêu lợi nhuận tại Việt Nam, tôi mới lấy làm lạ và quyết định đào sâu xem tại sao người ta vẫn bất chấp để chạy theo cái thứ gọi là “làm giàu siêu tốc” bất chấp những rủi ro cả ngắn hạn và dài hạn của nó như vậy.

Và cũng như vàng, “đầu tư” đất hay còn gọi là bất động sản thì sẽ luôn tồn tại người “đầu tư” thông minh và kém thông minh. Người thông minh là người hiểu rõ mình đang làm gì, đang đầu tư hay đầu cơ, lý do khoa học nào mà khiến mình mua bất động sản này, mình sẽ thu lợi từ nó như nào: tiền về mỗi tháng mỗi năm hay chờ 5, 10 năm nữa sẽ bán khi nó tăng giá mạnh, mình có thể chịu được rủi ro tới đâu, rủi ro đó là những gì, mình làm gì để phòng ngừa rủi ro đó, …… Còn người không thông minh, họ không hiểu những điều trên.

Bản thân tôi thì không dám tự nhận mình là một chuyên gia đầu tư bất động sản vì nói thực tôi không có sở thích với lĩnh vực này, tuy nhiên tôi nhận thấy có thể vận dụng được “con mắt của Nhà Đầu Tư” vào việc đầu tư bất động sản một cách cực kỳ hiệu quả và cũng đã có không ít người thành công với cách làm đó. Một Nhà Đầu Tư bất động sản chân chính sẽ không cố gắng dự đoán thị trường, chạy theo sóng đầu cơ hay là mất công ngồi phân tích dòng tiền, sự thuận lợi của nguồn tín dụng. Họ đơn giản là sẽ định giá tài sản và mua tài sản nào đang được bán dưới giá trị. Chấm hết!

Để tôi ví dụ cho các bạn:

Một Nhà Đầu Tư bất động sản sẽ luôn có cho mình một bộ tiêu chí cụ thể, ít thì 5 nhiều thì phải 30, 50 tiêu chí để chọn lựa khoản đầu tư đúng đắn. Các tiêu chí đó đa phần sẽ thuộc 03 chủ đề chính, bao gồm:

  • Vị trí hiện tại và tương lai ra sao, có “dính quy hoạch” không, có gần khu quy hoạch làm dự án gì hoành tráng không?
  • Tính chất pháp lý như thế nào, hay gọi đơn giản là “có sổ đỏ chưa?
  • Tầm nhìn và năng lực cải tạo của Nhà Đầu Tư. Điều này có lẽ tất cả chúng ta phải học hỏi ngài Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất Việt Nam hiện tại. Khi mà cách đây hai ngày, tôi có dịp trò chuyện với một người kỹ sư xây dựng từng tham gia thi công 04 dự án là Vinhomes Greenbay Mễ Trì, Hà Nội; Vinhomes Gardenia Hàm Nghi, Hà Nội; Vinhomes Ocean Park Hà Nội và Vinhomes Dream City Hưng Yên (đang triển khai). Điểm chung của 3 trong 4 dự án trên đó là nó đều là bãi rác từ khi ngài Vượng mua vào, dự án còn lại thì trước đây hoàn toàn là cánh đồng hoang vu. Đó mới thấy tầm nhìn và tài năng của ngài Vượng là cực kỳ vượt trội. Và liệu bạn có tầm nhìn cùng năng lực đó không?

Nhưng có các tiêu chí này mới chỉ là một nửa công việc, nó chẳng khác gì việc tôi hay ngồi đọc báo cáo tài chính và nhận định công ty này tài chính khỏe hay yếu, có rủi ro đạo đức không, có thu nhập ổn định và tăng trưởng không. Một nửa công việc còn lại chính là dùng những tiêu chí đầu vào này để định giá bất động sản một cách cụ thể.

Nếu các bạn cảm thấy khó hiểu ở chi tiết này thì hãy liên tưởng một chút nhé, trong đầu tư chứng khoán người ta hay nói về các chỉ số như P/E rồi P/B, vốn chủ sở hữu, dòng tiền tương lai, thu nhập cổ tức hàng năm rồi họ định giá doanh nghiệp bằng việc tùy theo khẩu vị rủi ro của mình mà chấp nhận trả mức giá tương ứng với P/E bằng 5, 10 hay 20; P/B = 1 hay 1,5 hoặc 2; trả giá bằng hay thấp hơn hoặc cao hơn vốn chủ sở hữu hiện tại. Họ thực hiện phương pháp chiết khấu dòng tiền tương lai để định giá doanh nghiệp, họ chọn trả mức giá mà thu nhập cổ tức hàng năm ở mức 8% hay 10%, 20%. Thì bây giờ chúng ta sẽ làm tương tự với bất động sản xem sao.

Nếu bạn nghiên cứu đủ sâu, đã là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Bạn có thể ngắm nghía một căn nhà và áng chừng trong thời gian ngắn được giá trị xây dựng của toàn bộ căn nhà cùng với toàn bộ hệ thống nội thất bên trong. Hãy tưởng tượng đó chính là “vốn chủ sở hữu” của căn nhà, và bây giờ người ta rao bán nó cho bạn với cái giá không cao hơn 30% “vốn chủ sở hữu” đó, nếu là tôi có lẽ tôi sẽ mua nó đấy.

Giờ hãy giả sử căn nhà này nằm ở ngã tư đông đúc, đang được cho Thế giới di động thuê với mức giá 200 triệu đồng/tháng hay 2,4 tỷ đồng/năm. Bạn nhẩm tính thấy chi phí khấu hao hàng năm và các chi phí khác khiến lợi nhuận từ căn nhà chỉ ở mức 2,2 tỷ/năm, điều này đâu có khác gì “Earning” của căn nhà là 2,2 tỷ đồng/năm. Vậy bạn nghĩ sao nếu căn nhà đang được rao bán với giá là 33 tỷ đồng – tương đương mức P/E là 15. Bạn sẽ mua chứ?

Còn về phương pháp chiết khấu dòng tiền thì nói thực là có rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng, họ xây dựng giả định về việc khu đất này sau này xây nhà lên sẽ được bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu căn chung cư, bán được bao nhiêu tiền, trong thời gian bao lâu, chi phí xây dựng như nào, thuế má ra sao, và một tỷ loại chi phí khác. Rồi họ sẽ dùng các thứ công thức vô cùng phức tạp mà ngài Warren Buffett chẳng bao giờ dùng tới để định giá một bất động sản tiềm năng. Nên tôi khuyên thật, nếu chỉ là một Nhà Đầu Tư cá nhân nhỏ lẻ thì các bạn cũng không nên cố gắng tìm hiểu và làm theo cách này.

Ấy thế nhưng thật hài hước là tôi thấy phổ biến nhất lâu nay, người ta hay định giá bằng phương pháp so sánh rất ngây thơ, kiểu như là miếng đất này cách trung tâm Hà Nội 30km mà 2 triệu đồng/m2 là quá rẻ rồi, nhìn giá đất Hồng Kông đi, Hà Nội mấy năm nữa chả như Hồng Kông à. Thật sự nghe tới đây tôi chỉ biết “Wowwwww”, mọi người không hề để tâm gì tới sự khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế, chính sách tiền tệ, luật đất đai, thuế suất bất động sản gì cả, cứ so sánh thôi.

Và phương pháp định giá cuối cùng, đau lòng thay lại là cách đang nóng bỏng nhất hiện nay – tức những năm 2020 – 2021 này. Phương pháp này có thể được gọi tên là “Lời đồn đại“. Ồ người ta đang đồn đất Ba Vì sốt lắm vì Hà Nội di dân lên đó nhiều lắm, toàn đại gia lên đó xây biệt thự thôi. Rồi thì đất Long Thành, Đồng Nai sốt lắm vì sắp khởi công Sân bay Quốc tế Long Thành lớn nhất Việt Nam ở đó. Rồi mọi người định giá dựa trên “Lời đồn đại” bằng cách … chẳng định giá gì cả, giá nào cũng mua 🙂 Tôi sẽ không bình luận gì thêm về cách định giá và đầu tư này. Thời gian và sự may mắn đôi khi sẽ giúp những nhà đầu cơ theo phương pháp này ăn khá dày và rất nhanh như thực tế thời gian qua nhưng nếu người đó đi vay nợ để đầu cơ thì tôi cầu trời khấn phật cho may mắn đừng bao giờ rời xa họ.

Thời gian và sự may mắn là hai thứ rất quan trọng với một Nhà Đầu Tư nhưng nhà đầu cơ thì thậm chí còn cần nó hơn bởi vì lỡ mua một miếng đất đúng thời kỳ sốt nóng thì anh ta khả năng cao sẽ cần cực kỳ nhiều thời gian và sự may mắn thì mới có thể lấy lại được những gì đã bỏ ra trước khi thu về được lợi nhuận!

Tuy nhiên, bất chấp những lý lẽ tôi vừa nêu ra, tôi phải công nhận một điều rằng bất động sản rất có thể vẫn sẽ là kênh đầu tư/đầu cơ thịnh hành nhất cho dân chúng Việt Nam trong nhiều năm hoặc nhiều chục năm tới. Đơn giản thôi, nó là thứ tâm lý ăn sâu thành văn hóa của chúng ta rồi, và sẽ khó lòng thay đổi nó trong một sớm một chiều được. Thế cho nên, tôi thực sự hy vọng các bạn hãy luôn tỉnh táo và lý trí, tích lũy càng nhiều kiến thức và kinh nghiệm càng tốt trước khi thực hiện bất kỳ một kế hoạch “đổi đời nhờ bất động sản” nào.

Vậy nên là, nếu phải đưa ra một góp ý chân thành nhất đối với những nhà đầu cơ bất động sản ngoài kia thì tôi xin được nói rằng: “Làm ơn, đừng vay nợ để đầu cơ đất.

3. “Đầu tư” tiền mã hóa (hay còn gọi là “tiền ảo”)

Tôi cho rằng thời gian qua đi thì những vật phẩm dùng để thỏa mãn cơn mê đầu cơ của loài người chỉ có nhiều lên chứ không thể ít đi được, và tiền mã hóa hay gần chúng ta hơn là lan đột biến chính là những ví dụ sáng chói cho việc đó.

Một anh bạn lâu năm của tôi đã mua được 2 căn nhà ba tầng trị giá chắc chắn không dưới 6 – 7 tỷ đồng chỉ nhờ chưa đầy 2 năm kinh doanh lan đột biến nhưng kinh khủng hơn khi mà Việt Nam chúng ta mới đây có vẻ như đã xuất hiện một tỷ phú đô la mới nhờ việc sáng lập một trò chơi trực tuyến dựa theo công nghệ blockchain có tính năng cực kỳ ăn khách là bán vật phẩm trong game theo vật ngang giá quy đổi là một loại tiền điện tử. Và dĩ nhiên, anh ấy cũng nắm không hề ít những đồng tiền điện tử đó. Quả thực chúng ta đang sống trong một giai đoạn làm giàu không hề khó các bạn ạ!

Vậy tiền mã hóa là gì và tại sao nó giúp mọi người “đầu tư” tiền của vào nó giàu có nhanh chóng và đạt tới mức độ tài sản kinh khủng khiếp như vậy?

Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào năm 2012 thì “Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số, không được kiểm soát; được phát hành và thường được quản lý bởi các nhà phát triển nó. Đồng thời nó được sử dụng và chấp nhận trao đổi trong một cộng đồng cụ thể.”

Vậy tại sao tiền ảo giúp chúng ta giàu nhanh, đơn giản thôi, tiền ảo được chấp nhận và lưu hành trong một cộng đồng cụ thể nhất định, vậy nếu cộng đồng đó ngày càng đông đúc và tâm lý của cộng đồng đó ngày càng hưng phấn, họ sẵn sàng chi trả bao nhiêu cũng vẫn là rẻ cho một thứ thậm chí không hề tồn tại dưới dạng vật chất thì giá của nó tăng vài phần trăm, thậm chí vài chục phần trăm một ngày đâu có gì là khó hiểu chứ nhỉ. Sự giàu lên đó nếu chưa được hiện thực hóa thành tiền thì bạn không nên vui mừng nhé, sự giàu có đó nó cũng ảo như tiền ảo mà thôi.

Còn tại sao tiền ảo đã ra đời từ lâu nhưng tới những năm 2020 – 2021 này nó mới tăng giá kinh khủng khiếp như vậy thì tôi cho rằng có 02 nguyên nhân chính. Đầu tiên phải nói rằng đại dịch khiến mọi người quá rảnh rỗi vì mất việc, làm việc ở nhà và các cụ thì vẫn hay bảo rằng: “rảnh rỗi thường sinh nông nổi“. Chỉ có điều các cụ nhà ta chắc không thể ngờ rằng có những sự nông nổi đem tới nhiều tiền như vậy! Nguyên nhân thứ hai tới từ các gói cứu trợ bất tận mà các ngân hàng trung ương các nước trong đó có Việt Nam đã tung ra để giải cứu nền kinh tế với hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trả nợ vay ngân hàng, trả lương người lao động, trả tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn mất doanh thu vì đóng cửa kinh tế. Nhưng đáng buồn thay, doanh nghiệp thì chưa nhận được tiền mà người dân nhận được tiền xong liền đi buôn đất, đánh “chứng”, chơi tiền ảo. Và khi mà có quá nhiều người cầm quá nhiều tiền muốn mua một thứ gì đó là hữu hạn, chuyện nó tăng giá chỉ còn là câu chuyện liệu nó có tăng tới mặt trăng hay không mà thôi.

Tôi thực lòng không muốn làm các bạn thất vọng nhưng xin các bạn hãy lý trí. Một thứ được gọi với danh xưng là “tiền”, được mang ra trao đổi mà lâu nay chúng ta vẫn dùng, về bản chất nó là một loại quyền lực tối cao của Chính phủ, là công cụ định hướng và kiểm soát xã hội của giai cấp thống trị và tôi tin rằng họ sẽ không dễ dàng san sẻ thứ quyền lực cực kỳ hấp dẫn đó vào tay một người khác đâu. Nên giới hạn cuối cùng của tiền ảo (nếu có), tôi cho rằng sẽ là giống như vàng hiện nay – tức là một loại tài sản trú ẩn, nhưng thành thực mà nói con người chắc chắn sẽ ưa thích vàng hơn vì nó cho con người cảm giác an toàn nhờ vào tính hữu hình, có thể cầm nắm và cảm nhận vẻ đẹp của nó, đó là còn chưa kể tới công dụng to lớn của nó trong cuộc sống con người.

4. Chứng khoán

Đây là kênh đầu tư phổ biến nhất ở các nước phương Tây với một thống kê mà tôi đã đọc được từ Ấn phẩm đầu tư giá trị The Golden Newsletter Việt Nam, cho thấy có khoảng 70 – 80% tài sản của người dân nằm ở không chỉ thị trường chứng khoán mà còn nằm ở các quỹ hưu trí. Nói chung là họ cực kỳ có ý thức trong việc đầu tư tiền bạc vào sản xuất kinh doanh sẽ là con đường làm giàu bền vững và sinh lợi cao nhất. Tuy nhiên vấn đề này tôi sẽ không dành để bàn luận ở đây mà ngay bài viết tiếp theo tôi sẽ chia sẻ chi tiết về việc chứng khoán, thị trường chứng khoán là gì và chúng ta cần nắm bắt cơ hội ở đó ra sao.

Chúc các bạn một tuần mới thật nhiều năng lượng!

 

 

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *