Cuốn sách về đầu tư đầu tiên trên thế giới (Phần cuối)

Chương 8: “Cửu Biến”

Tôn Tử viết: “Tướng soái tài trí suy nghĩ phải kiêm cố hai đường lợi hại. Khi ở trong điều kiện có lợi, phải nghĩ tới những nhân tố bất lợi thì mới hoàn thành nhiệm vụ; trong điều kiện bất lợi, phải nghĩ tới những điều có lợi thì mới có thể giải tỏa hoạn nạn.

Phương pháp dùng binh không phải là ngồi im mong địch không tới mà phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, bày trận nghiêm chỉnh đón chờ quân địch tới, không hy vọng địch không dám đánh mà phải tổ chức phòng thủ khiến địch có đánh cũng không thể thắng.

Tướng soái có 5 điều nguy hiểm: Liều chết đánh bừa tất bị giết, tham sống sợ chết tất bị bắt, nóng giận tất không chịu được sỉ nhục, liêm khiết cao thượng tất không chịu nổi ô nhục, yêu dân chúng quá tất khiến quân đội gặp phiền hà.

Lời bàn chương 8:

Chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn còn hơn cả vành đai lửa Thái Bình Dương. Nếu các bạn không tin thì cứ nhìn xem khi mà cả thế giới đang tưởng chừng như hòa bình ổn định thì đùng một cái, đại dịch Covid-19 ập tới làm cho biết bao ngành nghề như bán lẻ, thời trang, nhà hàng và đặc biệt là du lịch và hàng không đang từ ăn nên làm ra nhưng chỉ sau vài tháng tới 1 năm thì phá sản hàng loạt. Các bạn cũng có để ý không khi mà cứ cách một thời gian thì nơi này lại lũ lụt, nơi kia lại hạn hán, nước này thì bạo loạn, nước kia lại cháy rừng, những sự kiện như vậy cứ liên tục và liên tục xảy ra làm ảnh hưởng tới sinh kế của biết bao nhiêu con người và điều đáng sợ nhất là: chúng ta không thể biết tới lúc nào thì mình sẽ là nạn nhân của những sự kiện bất hạnh như vậy?

Tôi cho rằng ở đây, Tôn Tử đã gửi gắm một thông điệp ngầm hiểu đó là: Cách phòng thủ tốt nhất chính là chủ động “tấn công”. Nhưng “tấn công” không có nghĩa là lúc nào cũng chủ động xua quân đánh phủ đầu quân địch, mà là luôn chủ động chuẩn bị nguồn lực, nâng cao năng lực tác chiến để quân địch có đánh cũng không thể thắng. Đó chính là cách phòng thủ tốt nhất trước những nguy cơ bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Mỗi người chúng ta đều nên học theo quan điểm trên của Tôn Tử. Chúng ta rất cần nâng cao trí tuệ không chỉ để ngày càng khôn ngoan hơn, ứng xử tốt hơn trong mọi tình huống hàng ngày mà còn là để trở thành một Nhà Đầu Tư thông minh hơn, lý trí hơn, tỉnh táo hơn, từ đó tích lũy thêm tiền bạc làm một tấm lá chắn phòng thủ cơ bản nhất cho chúng ta và gia đình có thể vượt qua mọi nghịch cảnh nếu chẳng may chúng ta bị rơi vào.

Thế giới này biến hóa khôn lường làm cho chúng ta cũng phải biến hóa theo để ứng phó, và cách biến hóa tốt nhất chính là nâng cao trí tuệ cùng năng lực!

Phần còn lại của chương lại là những điều răn vô cùng thiết thực mà Tôn Tử đã “vô tình” gửi gắm tới thế hệ các Nhà Đầu Tư sinh sau ông hàng ngàn năm, chúng ta có thể ghi nhớ nó như sau:

  1. Liều mình đầu tư mà thiếu hiểu biết ắt thua lỗ.
  2. Cẩn trọng tới mức cứng nhắc sẽ bỏ lỡ thời cơ.
  3. Thiếu kiên nhẫn ắt dẫn tới lợi nhuận không thỏa đáng.
  4. Bảo thủ trong tư duy ắt sẽ gặp rủi ro.
  5. Tử tế quá rất dễ gặp phiền hà.

– Liều mình đầu tư mà thiếu hiểu biết ắt thua lỗ là điều quá dễ hiểu: tôi xin phép không bàn luận thêm về chân lý này.

– Cẩn trọng tới mức cứng nhắc sẽ bỏ lỡ thời cơ: lời khuyên này có lẽ tới ngay cả Warren Buffett cũng sẽ rất thấu cảm. Đơn giản bởi vì chính ông cũng đã giữ lối tư duy cẩn trọng quá mức là tránh xa các công ty công nghệ để rồi tự phải thừa nhận rằng mình đã phạm phải một sai lầm tai hại khi không đầu tư vào Amazon của Jeff Bezos ở vào thời kỳ cổ phiếu của nó được bán rẻ như cho sau khi bong bóng dot-com phát nổ đầu thập niên 2000. Và rất nhanh sau đó, ông đã sửa sai bằng việc đầu tư mạnh tay vào Apple để rồi thu về quả ngọt là lợi nhuận lên tới 250% trong chưa đầy 5 năm, ồ nhưng mà 250% đó tương đương khoảng 90 tỷ USD cơ thưa các bạn! Các bạn thấy đó, thông thái và chăm chỉ như Warren Buffett mà còn phạm phải sai lầm vì chính tư duy của mình thì chúng ta nên biết rằng hiểu biết của mình là giới hạn, hãy mở rộng nó để tối thiểu hóa khả năng chúng ta phải xót xa vì đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời.

– Thiếu kiên nhẫn ắt dẫn tới lợi nhuận không thỏa đáng: Để minh họa cho điều này, tôi xin được trích dẫn lại một thống kê gần đúng của chính mình tại đường link này (dựa trên dữ liệu biểu đồ của finance.vietstock.vn). Nó cho thấy là vào ngày 04/01/2016, nếu chúng ta đầu tư vào bất kỳ một công ty nào trong số 336 công ty đang niêm yết cổ phiếu trên sàn Hose lúc đó, RỒI TUYỆT ĐỐI KHÔNG LÀM GÌ, thì sau tròn 5 năm, tại ngày 04/01/2021 – tức là đã trải qua hai đợt suy thoái mạnh vào năm 2018 và 2020 thì chúng ta có tới 72% cơ hội có lợi nhuận lớn hơn cả lợi nhuận nếu gửi tiền vào ngân hàng trong cùng khoảng thời gian. Và nếu một Nhà Đầu Tư với kỹ năng trên trung bình, tôi tin chắc rằng anh/chị ta sẽ có tỷ lệ đạt được thành công trên với xác suất phải cỡ 90% chỉ bằng sự phân tích kỹ lưỡng của mình. Ấy vậy mà bất chấp việc chỉ cần kiên nhẫn ĐỪNG LÀM GÌ HẾT cũng giàu lên thì trong 5 năm đó, đã có không hề ít người kêu than rằng đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam toàn thua lỗ. Haizzz, giá mà họ đã kiên nhẫn và không làm gì thì tốt biết bao.

– Bảo thủ trong tư duy ắt sẽ gặp rủi ro: điều này có lẽ tôi sẽ nhờ tương lai giải đáp xem liệu tư duy chắc nịch tin tưởng mù quáng vào việc đầu tư tiền mã hóa cũng như chứng khoán và đất đai vào năm 2021 có thực sự đem lại lợi nhuận, tự do và hạnh phúc không?

– Tử tế quá rất dễ gặp phiền hà: đây là một điều hết sức nhạy cảm mà tôi thực lòng là muốn tránh không nói tới vì tôi e sợ nói ra dễ bị ném đá lắm. Mọi người lại nói tôi cổ súy cho chủ nghĩa cá nhân và bàng quan trước sự khổ đau của người khác thì thật buồn lòng cho tôi quá. Nhưng xin hãy xem lại một chút những bài viết trước để hiểu hơn về vấn đề này, hiểu hơn về việc sự tử tế cũng nên có giới hạn của nó và tầm quan trọng của việc suy nghĩ cho lợi ích của bản thân mình. Mọi sự chỉ trích của các bạn, mong các bạn nhẹ tay, tôi xin thành tâm đón nhận.

*************

8 chương vừa qua có thể nói là 8 chương bàn luận về tư tưởng chủ đạo của việc dùng binh, tương ứng với nó là tư tưởng chủ đạo của một Nhà Đầu Tư thời nay, cách anh ta tư duy, cách anh ta cảm nhận về mọi thứ xung quanh mình. Bây giờ chúng ta sẽ bàn luận nốt về 5 chương cuối cùng trong 13 thiên binh pháp. Và do 5 chương này sẽ đi sâu vào các tình huống thực tiễn trên chiến trường nên sẽ sử dụng nhiều thuật ngữ, lối nói chuyên ngành, tôi thiết nghĩ việc nêu lại cụ thể lời văn của Tôn Tử sẽ làm mọi người khó hiểu và không thật sự cần thiết, thay vào đó tôi sẽ đi thẳng vào việc ứng dụng của 5 thiên này trong hoạt động của Nhà Đầu Tư ngày nay như thế nào.

 

Chương 9: “Hành Quân”

 

Chương này là chương bàn luận về các tình huống cụ thể của việc hành quân đánh trận, mỗi tình huống đó lại cần người làm tướng phải hiểu biết đúng đắn để nhận ra hiểm nguy, đưa ra những quyết sách cụ thể để đưa quân đội của mình vào những tình huống đảm bảo an toàn và chiếm lĩnh vị thế tối ưu trên chiến trường.

Và khi nhìn lại về công việc của một Nhà Đầu Tư, tôi bất chợt có các suy tưởng thế này: Ở ngoài kia có vô vàn cơ hội đầu tư thật giả lẫn lộn, Nhà Đầu Tư trên chặng đường tìm kiếm sự an toàn và cơ hội lợi nhuận phục vụ cho mục tiêu tự do và hạnh phúc của mình rất cần am hiểu những hình thái rủi ro cũng như cơ hội sẽ được hiện lên dưới những dạng thức hay dấu hiệu như thế nào?

Ví dụ như một công ty tốt điển hình thường có một cơ cấu tài sản không chỉ có tính thanh khoản cao mà còn phải ít nợ vay, các khoản phải thu và tồn kho ít, tỷ trọng tài sản cố định không quá cao, không có các khoản trả trước mờ ám. Doanh thu và lợi nhuận không cần thiết phải tăng trưởng vượt trội liên tục nhưng không có năm nào lỗ trong 10 năm qua, và xu hướng chung là đi lên thì dù chậm cũng được. Đặc biệt, dòng tiền của công ty phải dương liên tục và ổn định, thặng dư dồi dào, chi đầu tư cho tài sản cố định hàng năm hợp lý, lãi đầu tư có thì càng tốt. Công ty phải có chính sách cổ tức hợp lý và đặc biệt là ổn định, thâm niên lâu dài, liên tục trả bớt được nợ vay dài hạn hoặc không có nợ vay mới. Ngoài ra, công ty nếu có những lợi thế cạnh tranh xuất sắc như sản xuất chi phí thấp, thương hiệu mạnh, sản phẩm tuyệt vời hay là bằng sáng chế độc quyền,… thì sẽ là một điều hết sức tốt đẹp. Và cuối cùng, đặc biệt cần công ty đang được bán ở một mức giá hợp lý, nếu hời thì càng tốt, chiết khấu từ 30% trở lên có thể là mức chấp nhận được tối thiểu.

Bên cạnh đó Nhà Đầu Tư cũng cần tránh xa các công ty tăng trưởng thần tốc doanh thu và lợi nhuận nhưng dòng tiền thì âm nặng nề. Cơ cấu tài sản nặng tài sản cố định hoặc các khoản phải thu, hàng tồn kho; các khoản trả trước mờ ám như trả trước cho các công ty mới thành lập, công ty của lãnh đạo, công ty của cổ đông lớn. Cổ tức thì ít chi trả hoặc chi trả cực kỳ thất thường và tỷ lệ thấp trong khi trích lập khen thưởng phúc lợi cho ban lãnh đạo và hội đồng quản trị thì lại cao, liên tục vay mới để bổ sung vốn lưu động làm cho phần lớn nguồn vốn là các khoản nợ phải trả.

 

Chương 10: “Địa Hình” Chương 11: “Cửu Thiên Địa”

 

Hai chương này chủ yếu bàn về các yếu tố cố định, không thể thay đổi trong quá trình tác chiến trên chiến trường, đòi hỏi người làm tướng phải am hiểu sâu, rộng để có thể khéo léo tránh né cũng như lợi dụng để đạt được mục đích bằng phương thức tối ưu nhất.

Phận là Nhà Đầu Tư, chúng ta cũng rất cần hiểu biết về những tình huống cố định như thế này, bản chất cũng như tác động của nó lên các quyết sách của chúng ta sẽ là thuận lợi hay bất lợi. Nếu thuận lợi thì tận dụng nó như thế nào, và ngược lại là nếu bất lợi thì chúng ta tránh né hoặc giảm bớt tác động tiêu cực của nó ra làm sao?

Các vấn đề đó có thể được xét tới như sau:

– Tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới: Rõ ràng rằng nếu ngày mai Triều Tiên gia tăng các hoạt động thử vũ khí hạt nhân thì rất có thể, thị giá tài sản mà các Nhà Đầu Tư đang nắm giữ có thể giảm không thấy đáy. Tuy nhiên khi đứng trước hoàn cảnh này, nếu một nhà đầu cơ sẽ hoảng loạn bán tháo để tự tay mình hiện thực hóa sự thua lỗ, thì một Nhà Đầu Tư lại xem xét liệu đây có phải cơ hội tốt để mình tiếp tục mua thêm tài sản đó bởi vì giá thị trường của nó đang dưới giá trị rất nhiều không? Hay là một ví dụ khác trực quan hơn: khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đầu năm 2020, giá các loại tài sản như cổ phiếu, chứng khoán đều quay đầu giảm kịch sàn, nhưng vàng thì lại tăng giá mãnh liệt do mọi người quay lại tìm vàng như một kênh trú ẩn để bảo toàn sức mua cho số tiền tiết kiệm của mình. Vậy thì Nhà Đầu Tư đứng trước hiện tượng này sẽ suy nghĩ gì và hành động ra sao, có lẽ các bạn hãy thử tự kiểm tra lại lịch sử mới chỉ 1 năm về trước để suy ngẫm và có câu trả lời cho chính mình nhé.

– Tình hình nền kinh tế trong nước: Sẽ có các biến số phổ biến như lãi suất cho vay hiện đang cao hay thấp? lãi suất tiết kiệm ngân hàng và lãi suất trái phiếu chính phủ thì thấp hay cao? tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp hiện tại của Việt Nam đang như thế nào. Mỗi một câu trả lời khác nhau cho từng câu hỏi trên sẽ dẫn những Nhà Đầu Tư tới với các quyết định rất khác nhau: đầu tư mạnh dạn, bán ra ồ ạt hay là nằm im chờ thời.

– Các yếu tố ngoại cảnh và bất khả kháng khác: Còn nhớ vào năm 2018, tại Sài Gòn đã diễn ra một thảm kịch hết sức đau thương khi mà Chung Cư Carina tại Quận 8 đã bị hỏa hoạn thiêu rụi làm cho 18 sinh mệnh đã bị tước mất sự sống tươi đẹp. Có lẽ với nhiều người, đây đơn thuần chỉ là một sự việc vô cùng đáng tiếc, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ các bài báo, đọc các đoạn phỏng vấn và xem rất nhiều các bức ảnh về vụ cháy năm đó thì trong lòng tôi trào dâng một sự đau thương chua xót đi kèm với một sự phẫn uất tới tột cùng về sự tắc tránh, thói vô trách nhiệm và coi thường tính mạng con người của những vị sếp chủ đầu tư khu chung cư đó. Và sau khi tôi nhận ra Công ty CP Năm Bảy Bảy chính là chủ đầu tư cuối cùng của Chung cư Carina thì phải nói rằng những Nhà Đầu Tư như tôi sẽ thề suốt đời tránh xa công ty đó cũng như mọi công ty khác có cái thói coi thường tính mạng con người.

– Yếu tố cố định cuối cùng tôi muốn bàn luận ở đây chính là về mô hình kinh doanh: Đây thực sự là vấn đề cố định quan trọng bậc nhất mà mọi Nhà Đầu Tư đều nên để tâm lưu ý trước khi đi sâu vào phân tích kỹ lưỡng. Có rất nhiều ngành nghề và mô hình kinh doanh khác nhau nhưng có lẽ chúng ta nên hết sức thận trọng với các mô hình kinh doanh thâm dụng lao động như nông nghiệp, dệt may, gia công xuất khẩu, đây đều là những mô hình sẽ có biên lợi nhuận hẹp, chưa kể tới rủi ro thiếu hụt nhân sự mùa cao điểm là rất rõ ràng. Mô hình kinh doanh thứ hai chúng ta nên đề phòng đó là mô hình kinh doanh nặng tài sản cố định, bởi đây sẽ rất có khả năng là công ty phải vay nợ rất nhiều để đầu tư cơ sở vật chất máy móc ban đầu và việc phải trả lãi vay hàng năm lớn sẽ vừa ảnh hưởng tới nguồn tiền mặt trả về cho cổ đông lẫn rủi ro biến động kinh tế làm cho công ty chưa kịp trả nợ hết đã lâm vào một thời kỳ suy thoái kinh tế dẫn tới rủi ro vỡ nợ hoặc khủng hoảng tiền mặt lúc này là rất cao (Vietnam Airlines chính là hiện thân cho ví dụ này). Mô hình kinh doanh thứ ba mà chúng ta cũng rất nên lưu tâm là mô hình kinh doanh của nhóm ngành tài chính, bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, đây là những mô hình kinh doanh rất đặc thù, rất phức tạp và rất rất cần sự nghiên cứu chuyên sâu trước khi đi tới bất kỳ một quyết định đầu tư nào.

Vậy nên, tôi mới cho rằng đầu tư là một lĩnh vực cực kỳ thú vị, đơn giản bởi vì nó có nhiều thử thách quá! Sẽ chẳng có hiểu biết nào là đủ cho một Nhà Đầu Tư điển hình cả, hiểu biết của anh ta không thể chỉ gói gọn ở đối tượng đầu tư mà còn phải ở muôn vàn biến số ngoại cảnh khác luôn rình rập để đưa số vốn quý giá của anh ta đi xuống địa ngục. Ấy vậy nhưng con đường đầu tư lại là một con đường vô cùng hấp dẫn những ai ưa thích thử thách và rèn dũa trí tuệ của bản thân, chỉ cần chúng ta nghiêm túc làm việc để tích lũy tiền của, tìm tòi và nghiên cứu thì một ngày không xa, khi trí tuệ của chúng ta tỏa sáng, đó cũng sẽ là lúc chúng ta tìm thấy sự tự do và hạnh phúc thật sự.

Chương 12: “Hỏa Công”

 

Chương này Tôn Tử viện dẫn việc mượn sức Hỏa Công để tiến hành chiến tranh là một chiến thuật khôn ngoan vì tuy ít đổ máu mà lại đem về thắng lợi rất lớn và còn mang tính hủy diệt. Nhưng bất chấp việc thắng lợi lớn và tổn hao công sức ít là vậy, hậu họa để lại sẽ luôn là khôn lường, chủ yếu dưới dạng nghiệp chướng dành cho người đã khởi phát mưu kế này. Và có lẽ, người thấm thía nhất hậu họa của việc sử dụng hỏa công quá thành công trong quá khứ không ai khác mà chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Ở đây, các Nhà Đầu Tư chuyên nghiệp có thể ứng dụng được chiến thuật này vào công việc huy động vốn đầu tư, nhằm đem lại lợi nhuận lớn nhất cho mình và các cổ đông của Quỹ đầu tư hoặc của công ty cổ phần do mình điều hành mà lại tối thiểu hóa được chi phí lãi vay phải trả cũng như áp lực trả nợ tới hạn sẽ không còn là vấn đề cần bận tâm nữa.

Tuy nhiên bất chấp việc có rất nhiều người và rất nhiều tổ chức đã huy động được những khoản vốn không hề nhỏ vì họ quảng cáo rằng họ có những chuyên gia phân tích, chuyên gia đầu tư giỏi nhất thế giới đang làm việc cho mình, thì việc thua lỗ vẫn diễn ra như chuyện thường trên huyện! Hãy nhìn vào tấm gương những người từng được tôn vinh là “Thiên tài” như Jesse Livermore, Madoff hay là Gerry Tsai. Các bạn có thể dễ dàng tìm hiểu về những người này bằng cách hỏi anh bạn Google dễ mến của chúng ta để thấy rằng việc huy động vốn vô tội vạ của những con người thậm chí là “Thiên tài” trong mắt cả thế giới như vậy cũng rất có thể là khởi đầu cho một trường đoạn đầy bi kịch của hàng ngàn người.

Hãy luôn cẩn trọng, cái gì dễ quá thì cũng rất có thể nó đang chờ để vả cho bạn một cú rất đau đấy!

 

Chương 13: “Dụng Gián Thiên”

 

Chương này là chương Tôn Tử bàn về việc sử dụng nội gián để thu thập các thông tin nội bộ trong lòng địch, từ đó nắm được những ưu thế cực kỳ lớn trong các quyết sách chiến tranh.

Phần này khi đọc qua thú thực là tôi cũng cảm thấy là không được tử tế cho lắm và nó thường là cách mà các nhà đầu cơ sử dụng để lướt sóng các loại tài sản gì đó trước khi loại thông tin mật mà họ có đó trở thành tin công khai. Ở đây Nhà Đầu Tư và nhất là những Nhà Đầu Tư mới vào nghề cần đặc biệt lưu ý một vấn đề rằng: tuyệt đối KHÔNG BAO GIỜ được đầu tư chỉ dựa vào tin đồn hay là một bài báo nào đó, bởi vì thứ nhất tin tức đó chưa hề được bạn kiểm duyệt kỹ càng để có thể trở thành một cơ sở khoa học hợp lý và thứ hai, chắc chắn là đã có rất nhiều “kẻ nội gián” biết thông tin này trước và đã tích lũy tài sản ở giá thấp rồi chờ đợi những “con nai vàng ngơ ngác” là bạn hăng hái tiến vào đặt mua để chúng bán ra và thu lợi nhuận một cách quá dễ dàng.

Thế nhưng, Nhà Đầu Tư cũng có thể tận dụng chiến thuật “nội gián” này bằng một cách quang minh chính đại khi mà tích cực giao lưu, mở rộng các mối quan hệ với các nhân viên và cổ đông khác của đối tượng mình muốn đầu tư. Từ đó thăm hỏi và thu thập thông tin, hoặc trực diện hơn thì bạn có thể gọi điện hoặc tới gặp mặt trực tiếp bộ phận quan hệ cổ đông của công ty bạn muốn đầu tư và hỏi họ các thông tin chính đáng. Nếu yêu cầu này bị từ chối bằng một lý do rất trời ơi đất hỡi thì bạn nên chuẩn bị một tâm lý đề phòng hạng nặng đi là vừa.

*************

Vậy là sau tổng cộng 3 bài viết cùng chắc cỡ cả ngàn chữ thì chúng ta cũng đã đi hết được nội dung 13 chương tinh hoa của nghệ thuật quân sự và cũng là tinh hoa đầu tư mà mỗi chúng ta cần phải nằm lòng trước khi có thể tự tin gắn mác Nhà Đầu Tư lên trước tên của mình. Không để các bạn chờ đợi lâu hơn nữa, tôi sẽ đúc rút lại 3 tư tưởng quan trọng nhất mà Tôn Tử có lẽ đã không ngờ là 2500 sau thời đại của ông, chúng ta lại cực kỳ cần cho quá trình kiến tạo sự tự do và hạnh phúc của mình:

  • Thận trọng, luôn luôn thận trọng, an toàn là trên hết.
  • Liên tục nâng cao trí tuệ của mình không ngơi nghỉ.
  • Kiên nhẫn, tuyệt đối kiên nhẫn.

Chúc các bạn tận hưởng hành trình đầu tư của mình như một vị tướng quân vĩ đại!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *