Cuốn sách về đầu tư đầu tiên trên thế giới (Phần 2)

Chương 3: “Mưu Công”

 

Tôn Tử viết “bách chiến bách thắng không bằng không đánh mà cũng thắng, dùng mưu lược khiến địch tự buông kiếm đầu hàng là thượng sách, buộc phải bắc thang công thành là hạ sách cuối cùng

Trong đầu tư, điều này chính là sự đúc kết của việc “Mua 1 đô với giá 70 xu” – công việc của Nhà Đầu Tư đơn giản là định giá tài sản và mua tài sản đó với giá thấp hơn giá trị họ vừa ước tính được, tự thân việc mua ở mức giá đó đã là một chiến thắng dành cho những Nhà Đầu Tư tài ba nhất. Chứ đầu tư không có nghĩa là sẵn sàng trả mức giá lớn hơn rất nhiều giá trị của tài sản và rồi tự tin mù quáng vào sự dự đoán tương lai thuận lợi của mình sẽ làm cho giá trị của tài sản tăng lên bằng rồi cao hơn nhiều mức giá mình đã chi ra, từ đó làm cho mình có lợi nhuận – việc này chẳng khác gì làm tướng mà xua quân ào ạt tiến lên với dự đoán trên đường đi quân mình sẽ cướp bóc được đủ lương thực và vũ khí đạn dược để tiêu diệt quân địch, sự ngu xuẩn của nó ra sao chúng ta có thể nhìn lại việc quân Nguyên Mông đã áp dụng chiến lược này ở Việt Nam để rồi thất bại thảm hại như thế nào.

Nhà Đầu Tư giỏi phải là người dành chiến thắng bằng phân tích kỹ lưỡng để đạt được một biên an toàn đảm bảo, anh ta chiến thắng ngay từ khi xuống tiền đầu tư ở mức giá đã được chiết khấu thỏa đáng so với giá trị thực của tài sản chứ không cần phải mất công dự phóng và chờ đợi tương lai trong thấp thỏm hy vọng. Anh ta cũng cần là người biết hợp tác cùng chiến thắng với đối tượng được đầu tư chứ không phải là người chuyên đi cướp bóc, chiếm đoạt như những gì Kusto đã làm với Coteccons của ngài Nguyễn Bá Dương.

Ngoài ra trong chương này, Tôn Tử đã dành phần lớn giấy mực để bàn về tầm quan trọng của mối quan hệ vương – tướng trong sự thành bại của chiến tranh. Quân vương là người bổ nhiệm và sử dụng tướng lĩnh, tướng lĩnh có được sự tín nhiệm tuyệt đối từ quân vương, quân vương tuyệt đối không can thiệp vào công việc của tướng lĩnh là những điều kiện tối quan trọng để đưa chiến tranh tới kết cục có lợi.

Trong đầu tư, mối quan hệ này chính là mối quan hệ giữa cổ đông lớn và CEO của công ty. CEO là người được các cổ đông lớn lựa chọn bổ nhiệm và có trách nhiệm phải hành động vì lợi ích của công ty và của các cổ đông, tuyệt đối không được hành động dựa trên lợi ích kinh tế và danh tiếng của bản thân mình. Cho nên CEO nếu đã được thuê thì phải được tin tưởng tuyệt đối, được phép “tiền trảm hậu tấu”, các cổ đông tuyệt đối không được để xảy ra 3 việc sau:

  1. Cổ đông không hiểu về đầu tư mà ra lệnh cho CEO thực hiện đầu tư,
  2. Cổ đông không hiểu về điều hành mà tham gia điều hành,
  3. Cổ đông không biết xử lý tình huống nguy cấp, ứng phó linh hoạt mà lại dám nhận trách nhiệm thay CEO.

Cổ đông khi lựa chọn bổ nhiệm CEO sử dụng vốn của mình thì nên cân nhắc 5 điều sau:

  1. CEO biết lúc nào nên đầu tư và lúc nào không nên đầu tư thì thắng,
  2. CEO biết phân bổ và sử dụng cả vốn ít lẫn vốn nhiều thì thắng,
  3. Cổ đông và CEO đồng lòng thì thắng,
  4. CEO là người luôn phân tích kỹ lưỡng dựa trên số liệu và lý lẽ khoa học trước khi đầu tư thì thắng,
  5. CEO được toàn quyền xử trí công việc hàng ngày thì thắng.

Nào bây giờ thì hãy quay lại một số tình huống kinh điển là các hoạt động huy động vốn cho các dự án đa cấp tiền ảo rồi thì đất nền sốt nóng mà thời gian vừa qua đã bùng nổ tại Việt Nam. Một Nhà Đầu Tư thì chỉ cần nhìn qua cũng biết là không bao giờ nên bổ nhiệm những con người đang đi thuyết giảng về các dự án đó làm CEO để quản lý lượng tiền vốn quý giá của mình. Dễ hiểu bởi vì đến cả một quy luật đơn giản tới cỡ “Cái gì đang lên đến đỉnh thì nó chỉ còn đường lao xuống dốc” mà họ cũng không hiểu hay là chính bản thân chúng ta cũng không thể hiểu “vị CEO tự xưng” kia đang nói về thứ cơ sở khoa học nào ủng hộ cho dự án của anh ta, thì tốt nhất là chúng ta nên cố gắng làm một bậc quân vương anh minh bằng cách từ chối làm việc với các vị tướng quân “ngáo” tới như vậy.

 

Chương 4: “Chương Hình”

 

Tôn Tử viết: “Tướng giỏi tác chiến là người sáng tạo trận thế không cho địch thắng rồi chờ đợi thời cơ thắng địch. Không để địch thắng cốt ở phòng thủ cẩn mặt, chắc chắn, đảm bảo an toàn, thời cơ thắng địch là ở chỗ kiên nhẫn chờ đợi ắt sẽ hiện ra.

Bản thân tôi đánh giá đây chính là chương quan trọng nhất trong cả 13 thiên binh pháp đối với một Nhà Đầu Tư, hiểu trọn vẹn và vận dụng được nguyên tắc trong chương này vào hoạt động đầu tư sẽ là sự phân biệt rõ ràng nhất giữa Nhà Đầu Tư và nhà đầu cơ.

Nhà Đầu Tư luôn luôn và luôn luôn và luôn luôn và luôn luôn luôn luôn đặt sự an toàn lên trên cao hơn tất cả, anh ta không bao giờ chấp nhận việc để mất tiền bạc hay bất cứ khoản vốn liếng dù dưới bất kỳ dạng nào của mình. Điều này nghe qua sẽ có rất nhiều bạn đọc cảm thấy khá cực đoan, tại sao lại không chấp nhận một chút mạo hiểm chứ, “high risk high return” cơ mà. Vâng, mỗi khi bạn nghe những ví dụ “liều mạng” của những Quỹ đầu tư mạo hiểm thì cũng xin nhớ rằng họ chỉ mạo hiểm vài chục triệu USD trên tổng tài sản vài tỷ USD thôi nhé. Hay là bạn có thể tìm đọc về những tấm gương như ngài Charlie Munger hoặc Walter Schloss để hiểu về việc: không thua lỗ thực ra đã là một phước lành rồi

Và hiện thân của nguyên tắc này trong đầu tư chính là khái niệm Biên độ an toàn – Margin of safety mà tôi đã miêu tả sơ qua ở chương 3 trên.

Hãy giả sử bạn có căn cứ khoa học đáng tin cậy để định giá một căn nhà có giá trị 5 tỷ đồng bởi vì mỗi năm nó sẽ cho bạn khoản lợi nhuận 350 triệu đồng và bạn thấy hơn 14 năm mới hoàn được vốn là khoảng thời gian hợp lý, mình có thể chờ đợi được. Rồi một ngày đẹp trời, bạn thấy căn nhà đó được chủ rao bán với cái giá chỉ 3,5 tỷ, thì bạn nếu là một Nhà Đầu Tư, sẽ đánh hơi ra ngay đây là một cơ hội cực kỳ hấp dẫn, khoản chênh lệch 1,5 tỷ đồng giữa giá mua ngôi nhà và giá trị của nó sẽ cho bạn một tấm nệm đỡ cực kỳ an toàn để ngộ nhỡ có gì đó bất chắc xảy ra, bạn cũng vẫn có thể ăn ngon và ngủ yên mỗi tối.

“Thắng là vì trước tiên tạo điều kiện không thể bại, bại là vì đánh nhau rồi mới đi cầu may để thắng” – Tôn Tử

“Đầu tư thành công là bởi vì luôn ở vào vị thế có biên độ an toàn vững chắc, đầu cơ thất bại là vì bỏ tiền ra rồi cầu may sẽ chiến thắng” – Kind

 

Chương 5: “Chương Thế”

 

Ở chương này, Tôn Tử bàn luận về hai vấn đề chính là “Thế” và “Tiết“.

Ông viết về “Thế” như sau: “Người giỏi tác chiến sáng tạo trận thế rồi chọn thời cơ công kích ngắn, nhanh mà mãnh liệt. Thế như cung nỏ kéo căng hết cỡ, thời cơ chính xác giống như lúc bật cung nỏ.

Thế có thể do nhiều nhân tố tạo thành. Ví dụ như sỹ khí, ý chí, tinh thần dũng cảm tạo thành khí thế. Binh lực, hỏa lực, tốc độ tạo thành ưu thế. Địa hình, địa mạo, địa vật tạo thành địa thế. Thời tiết, khí hậu, nhiệt độ tạo thành thiên thế. Các loại Thế này là những điều kiện cần thiết để áp đảo địch, hủy hoại ý chí địch.

Nhưng ông cũng viết: “Chim ưng trên trời dùng tốc độ lao xuống vồ con mồi, tận dụng ưu thế lớn ở tầm nhìn và tốc độ để săn mồi nhưng con mồi thì không bắt được mà chim ưng lại còn gãy cánh. Đó là do không hiểu “Tiết”, không biết tiết chế, không biết thế nào là đủ. Trong chiến tranh chỉ dựa vào mãnh xung mãnh đả, một mực liều chết rất nhiều khi không thành công. Trái lại, lấy thoái làm tiến, lấy bốn lạng tránh ngàn cân có khi lại hiệu quả.

Lời bàn chương 5:

Thế và Tiết là hai thái cực trái ngược nhau nhưng lại là hai yếu tố cần song hành với nhau trong chính bản thể của một Nhà Đầu Tư duy nhất. Ứng dụng của nó dành cho Nhà Đầu Tư được thể hiện ở những điểm như sau:

Đầu tiên, chúng ta cần tiết chế lòng tham của chính mình. Không biết mình muốn gì chính là một trong những lý do gây ra vô vàn đau khổ cho loài người nói chung và Nhà Đầu Tư nói riêng. Các bạn có thể dễ dàng nhận thấy có biết bao người nổi tiếng, các doanh nhân, các nhà lãnh đạo đột ngột ngã ngựa ngay cả khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng. Có bao giờ các bạn tự hỏi tại sao những người mà chẳng còn phải chịu một áp lực cơm áo gạo tiền gì, cũng đã đủ đầy chẳng còn thiếu một nhu cầu cơ bản gì cho một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc lại chỉ vì những tham vọng tiền bạc và quyền lực hão huyền mà để rồi mất tất cả, bản thân thậm chí còn vướng vòng lao lý?

Đây quả thực là một thể loại sai lầm đáng tiếc và đáng trách nhất trong các loại sai lầm. Một sai lầm mà bản thân người thất bại không thể trách ai mà chỉ có thể trách duy nhất bản thân mình sao lại tham lam ngu dốt như vậy. Thế nhưng thật đáng tiếc làm sao khi đây cũng chính là thể loại sai lầm phổ biến nhất của con người, và nó bắt nguồn từ một vấn đề hết sức cơ bản là chính chúng ta còn không biết bản thân mình muốn gì!

Các bạn hãy thử tự hỏi bản thân mình xem tại sao mà lãi suất ngân hàng hiện nay ở Việt Nam cũng chỉ được trung bình 6,5%/năm, hay tại sao mà chỉ số Vn-Index (Chỉ số phản ánh phần nào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam) cũng chỉ tăng trưởng trung bình kép khoảng 13%/năm trong 20 năm nó tồn tại, và cuối cùng, tại sao những nhà đầu tư lão luyện nhất thế giới cũng chỉ dám đặt mục tiêu sinh lợi nhuận tối đa khoảng 20%/năm.

Ấy vậy nhưng ngoài kia vẫn có rất nhiều nhà đầu cơ ngây thơ tin rằng việc đạt lợi nhuận 10%/tháng nhờ vào cổ phiếu hay thậm chí 100%/3 tháng nhờ đầu cơ đất nền là khả thi. Các bạn thật sự là đang mơ ước ngông cuồng và không hề biết tiết chế đấy.

Vậy nên, tôi hy vọng rằng mỗi Nhà Đầu Tư chúng ta trước khi bước chân vào bất kỳ một lĩnh vực nào thì rất cần tự đặt cho mình một mục đích giới hạn cụ thể về khoản “lợi nhuận thỏa đáng” là bao nhiêu? Hãy cố gắng càng cụ thể càng tốt. Mục tiêu 6,5% – 9% lợi nhuận kép một năm sẽ là hợp lý cho một Nhà Đầu Tư tiêu biểu thông thường, hay là đặt mục tiêu có một người vợ hiền từ, nhân hậu, đảm đang cùng một đàn con ngoan ngoãn, chăm chỉ bên trong một căn chung cư 2 phòng ngủ trị giá 5 tỷ sau 10 năm nữa sẽ hợp lý hơn rất nhiều mục tiêu vợ mình phải là một cô nàng nóng bỏng quyến rũ, con mình phải là học sinh giỏi nhất thành phố và nhà mình phải là căn biệt thự đẹp nhất khu đô thị Vinhomes Riverside trị giá vài trăm tỷ đồng trong vòng 5 năm nữa, đặt mục tiêu điên rồ kiểu như này chỉ làm bạn chết sớm hơn vì lao lực chứ chẳng bao giờ hạnh phúc hơn được đâu.

Sau khi đã tự đăt cho mình một mục tiêu hợp lý, khả thi thì việc tiếp theo mới là tạo cho bản thân một ưu thế nổi trội để có thể dành được những khoản lợi nhuận thỏa đáng chúng ta đã đặt ra. Những ưu thế như vậy thì có vô số nhiều nhưng tựu chung lại tôi cho rằng có một loại ưu thế quan trọng nhất mà mọi Nhà Đầu Tư đều rất cần trang bị cho bản thân mình, đó chính là TRÍ TUỆ.

Sở dĩ tôi nói như vậy là bởi vì suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chẳng có ai suốt ngày chỉ làm việc dựa trên sức lực của mình mà có thể thực sự được tận hưởng tự do và hạnh phúc. Các bạn kiếm tiền bằng sức lao động là một điều rất tốt, nhưng sức lao động là một thứ sẽ bị bào mòn theo thời gian, và khi bạn về hưu hoặc gặp một biến cố bất chợt nào đó khiến sức lao động suy giảm thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy mất tự do về tài chính cũng như suy giảm sự hạnh phúc hiện tại.

Ngược lại, trí tuệ là thứ sẽ không bị mất đi mà nó còn được bồi bổ theo thời gian, kiếm tiền dựa trên trí tuệ sẽ cho bạn năng lực tài chính dồi dào tới tận khi bạn lìa đời. Đây chính là sự khác biệt căn bản giữa đầu tư – kiếm tiền dựa trên trí tuệ và đi làm lấy lương – kiếm tiền dựa trên sức lao động.

Vậy nên, ngay từ bây giờ hãy đừng ngơi nghỉ trong việc làm giàu đẹp thêm trí tuệ của mình, chỉ có luôn tích cực bồi dưỡng cho trí tuệ những thứ kiến thức khoa học bổ ích thì mới có thể giúp chúng ta lúc nào cũng ở trong trạng thái sẵn sàng đón nhận những cơ hội đầu tư tuyệt vời. Những cơ hội như thế luôn xuất hiện bất thình lình trước mắt bạn như một phần thưởng dành cho những người ưu tú đã có sự chuẩn bị, hoặc khi nó rời đi thì những kẻ lười biếng mới nhận ra sự chua xót của việc đã bỏ lỡ một cơ hội đổi đời.

“Thế như cung nỏ kéo căng hết cỡ, thời cơ chính xác giống như lúc bật cung nỏ” – Tôn Tử

Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội chỉ vì trí tuệ của chúng ta chưa sẵn sàng!

 

Chương 6: “Hư Thực”  Chương 7: “Quân Tranh Thiên”

 

Nội dung hai chương này chủ yếu bàn về yếu tố hư hư thực thực, thật giả lẫn lộn trong việc điều binh khiển tướng nhằm chiếm quyền chủ động, từ đó làm cho bản thân trở nên ung dung nhàn nhã mà quân địch thì lo lắng bất định.

Tôn Tử viết: “Trong chiến tranh muốn nắm được cơ hội chiến thắng địch thì nhất định phải tìm hiểu tình hình hư thực của địch, tức biết quân số, trang bị, hỏa lực, sức chiến đấu của địch. Ngoài ra còn phải tìm hiểu người chỉ huy quân đội địch có đặc điểm gì. năng lực bảo đảm hậu cần ra sao…

Ông viết tiếp: “Phàm đến chiến địa trước mà chờ địch thì an nhàn, đến chiến địa sau mà vội vàng ứng chiến thì mệt mỏi. Người giỏi tác chiến nhất định phải là người nắm thế chủ động trên chiến trường.

Đánh chỗ địch không thể cứu viện, tập kích chỗ địch không ngờ. Hành quân ngàn dặm mà không mệt mỏi là đi trong chỗ không người; công mà tất thắng là đánh vào chỗ địch không thể phòng thủ; phòng thủ tất phải vững bền là phòng thủ chỗ địch không thể tiến công.”

Người giỏi dụng binh tránh nhuệ khí địch đang cao, chờ cho sỹ khí địch suy yếu rồi mới đánh. Dùng ta nghiêm chỉnh đối phó với địch náo loạn, dùng ta trấn tĩnh đối phó với địch hoảng sợ, ta an nhàn đối phó với địch mệt mỏi, ta no đủ đối phó với địch túng thiếu…

Lời bàn chương 6 và 7:

Thương trường như chiến trường, trên thương trường người ta tranh đấu với nhau, tranh cướp của nhau, hạ bệ lẫn nhau, đầu độc lẫn nhau, quả thực cũng chẳng khác gì việc các đối thủ giao đấu trực tiếp với nhau trên chiến trường một mất một còn. Và trong môi trường đầu tư, mọi chuyện cũng diễn ra y hệt.

Trong thời kỳ những năm 1998, 1999 của thế kỷ trước, đã có hàng triệu người tin tưởng vào cuộc cách mạng công nghệ sẽ đưa rất nhiều công ty tăng trưởng lên tới tận…mặt trăng. Thậm chí có rất nhiều người nổi tiếng, những nhà quản lý quỹ đầu tư, những CEO của các công ty công nghệ còn dám tự tin lên sóng truyền hình để nói về việc cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra lúc đó sẽ đưa tất cả mọi người tham gia vào nó, đầu tư tiền của cho nó: đổi đời nhanh hơn cả tốc độ của tên lửa.

Và rồi thì, bạn biết đó, đã có rất nhiều người để mất tổng cộng đến hàng tỷ đô la … chảy vào túi chính những kẻ vừa mới thuyết giáo ở trên. Thật khó chấp nhận sự thiếu tử tế này! Các bạn nên lưu ý rằng nếu các bạn không hề hiểu bản chất mà tham gia vào thì Thị trường chứng khoán chỉ là một nơi in giấy ra rồi bán cho bạn không hơn không kém, một nơi đầy rẫy sự lừa đảo không kém không hơn.

Hay là ở Việt Nam, có lẽ cũng đã có khá nhiều người được “trải nghiệm” cảm giác bốc hơi mất phải tới gần như 100% tài sản trong một thời gian ngắn chỉ bởi vì đã trót tin lời quảng cáo, mời gọi của rất nhiều chủ doanh nghiệp có chứng khoán được niêm yết như công ty gì đó chuyên môn xây dựng vào năm 2018, hay là công ty gì đó chuyên sản xuất sơ sợi vào năm 2019.

Vậy nên, điều chúng ta phải nghiêm túc rút ra sau những bài học như vậy chính là hiểu rằng thị trường đầu tư tuy màu mỡ nhưng là màu mỡ với những người nghiêm túc, chăm chỉ, không ngừng cày xới đủ các thể loại tài liệu, báo cáo, thông tin để tìm ra cái gì là hư, cái gì là thực từ đó tránh cái hư, nắm cái thực. Ngoài ra, cũng xin các bạn lưu ý rằng yếu tố “hư thực” tồn tại ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì chỉ ở trong một phạm vi nhỏ bé: thị trường nếu đã ở trong một giai đoạn tăng nóng như quãng thời gian năm 2020, 2021 vừa qua chính là một sự hư ảo, công ty làm ăn bết bát nhưng vẫn báo cáo lãi đều đặn, chào mua cổ phiếu liên tục chính là một sự hư ảo, cò mồi liên tục điện thoại, nhắn tin thúc giục chúng ta mua đất, mua tiền ảo, mua chứng khoán cũng khả năng cao chính là một sự hư ảo.

Sự hư ảo ở khắp mọi nơi và sức tàn phá của nó là vô cùng kinh hoàng, chính vì vậy Tôn Tử mới nhắc nhở chúng ta tranh xa sự hư ảo, không chạy theo nó dù bị nó dụ dỗ hấp dẫn như thế nào, luôn tìm kiếm vị thế chủ động bởi vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể an toàn trước muôn trùng sóng gió của sự lừa đảo mà vẫn có thể an nhàn, thanh thản, ngủ ngon mỗi buổi tối.

Nhà Đầu Tư muốn nắm được vị thế chủ động và tận hưởng sự an nhàn thì nhất định phải bỏ ra rất nhiều công sức tìm kiếm và phân tích kỹ lưỡng để cốt hiểu cho đúng giá trị của thứ tài sản mình vừa đầu tư là bao nhiêu và như thế nào. Nhưng sau đó, họ còn phải làm một việc khó hơn rất nhiều, đó là KIÊN NHẪN.

Kiên nhẫn để chờ đợi thời cơ – lúc tất cả mọi nhà đầu cơ đều đồng loạt ngã lòng vì thua lỗ, vì chờ đợi quá lâu, vì hoảng sợ theo thị trường. Chẳng phải sẽ an nhàn biết bao nếu như chúng ta có thể chờ đợi để mua tài sản khi mà ai cũng muốn bán và cũng sẽ thật an nhàn nếu như chúng ta bán ra ở lúc mà ai cũng muốn mua sao? Đó chính là nghệ thuật “Đánh chỗ địch không thể cứu viện, tập kích chỗ địch không ngờ”, dùng sự trấn tĩnh và ổn định của ta để tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc tận dụng tâm lý hoảng loạn và hoảng sợ của muôn vạn nhà đầu cơ ngoài kia.

Chứ xin bạn, làm ơn, đừng bao giờ cầm tiền của mình để chạy theo những quyết định của người khác. Làm vậy mệt lắm!

(Còn tiếp…)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *